Nghị định 66/2022/NĐ-CP: Cơ cấu tổ chức của Uỷ ban dân tộc không còn Vụ Địa phương I, II, III mà thay thế bằng Vụ Công tác dân tộc địa phương?
Ủy ban Dân tộc là gì? Ai là người đứng đầu của Ủy ban Dân tộc hiện nay?
Căn cứ Nghị quyết 03/2011/QH13 cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm có 22 bộ và cơ quan ngang bộ. Trong đó, có 18 bộ và 04 cơ quan ngang bộ.
Trong đó, Ủy ban Dân tộc được xác định là cơ quan ngang bộ và thuộc cơ cấu tổ chức của Chính phủ Việt Nam.
Căn cứ Điều 2 Nghị định 123/2016/NĐ-CP có quy định như sau:
Vị trí và chức năng của Bộ
Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.
Cụ thể hơn, tại Điều 1 Nghị định 66/2022/NĐ-CP có quy định về Ủy ban Dân tộc như sau:
Vị trí và chức năng
Ủy ban Dân tộc là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật.
Hiện nay Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhiệm kỳ 2021-2026 là ông Hầu A Lềnh.
Nghị định 66/2022/NĐ-CP: Cơ cấu tổ chức của Uỷ ban dân tộc không còn Vụ Địa phương I, II, III mà thay thế bằng Vụ Công tác dân tộc địa phương? (Hình từ Internet)
Ủy ban Dân tộc có nhiệm vụ thực hiện trình những văn bản nào lên cho Chính phủ?
Căn cứ Điều 2 Nghị định 66/2022/NĐ-CP quy định Ủy ban Dân tộc thực hiện 26 nhiệm vụ và quyền hạn. Trong đó nổi bật là những nhiệm vụ trình những văn bản sau đây lên cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ:
+ Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
+ Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.
+ Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội ban hành các chính sách dân tộc; tiêu chí xác định thành phần dân tộc, danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam; ban hành chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu; các chính sách đầu tư, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; các chính sách, dự án hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; các chính sách, dự án bảo tồn và phát triển đối với các nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.
+ Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu hút, tăng cường cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, chính sách đặc thù đối với cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc; chính sách để đồng bào dân tộc thực hiện quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phong tục tập quán, truyền thống, văn hóa của dân tộc mình; chính sách đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo đáp ứng công tác giáo dục, đào tạo cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
+ Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về công tác dân tộc theo phân công.
Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc được quy định như thế nào?
Khác với Nghị định 13/2017/NĐ-CP, Nghị định 66/2022/NĐ-CP mới ban hành quy định về cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc không còn ba đơn vị là: Vụ Địa phương I; Vụ Địa phương II; và Vụ Địa phương III. Mà thay thế bằng Vụ Công tác dân tộc địa phương.
Cụ thể căn cứ Điều 3 Nghị định 66/2022/NĐ-CP có quy định cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc bao gồm các đơn vị sau:
+ Vụ Kế hoạch - Tài chính.
+ Vụ Tổ chức cán bộ.
+ Vụ Pháp chế.
+ Vụ Hợp tác quốc tế.
+ Vụ Tổng hợp.
+ Vụ Chính sách dân tộc.
+ Vụ Tuyên truyền.
+ Vụ Dân tộc thiểu số.
+ Vụ Công tác dân tộc địa phương.
+ Thanh tra.
+ Văn phòng.
+ Học viện Dân tộc.
+ Trung tâm Chuyển đổi số.
+ Báo Dân tộc và Phát triển.
+ Tạp chí Dân tộc.
+ Nhà khách Dân tộc.
Ủy ban Dân tộc có được ban hành văn bản quy phạm pháp luật không?
Căn cứ khoản 7 Điều 2 Nghị định 66/2022/NĐ-CP quy định về trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban Dân tộc có nêu:
Nhiệm vụ và quyền hạn
...
7. Ban hành các thông tư, quyết định, chỉ thị thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc; kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành có liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách dân tộc theo quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định hiện hành liên quan.
Tuy nhiên, cần hiểu rõ về phần quyền hạn này như sau:
Căn cứ khoản 8 Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020), cơ quan ngang bộ không phải là cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mà chủ thể có thẩm quyền là Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong trường hợp này là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Nghị định 66/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.