Nâng giá sản phẩm trước rồi mới khuyến mại giảm giá có bị xử phạt hay không? Không niêm yết giá nhằm thuận tiện nâng giá sản phẩm bị xử lý như thế nào?
Nâng giá sản phẩm trước rồi mới khuyến mại giảm giá có bị xử phạt hay không?
Hiện nay, nhằm cạnh tranh với nhau các cửa hàng thường xuyên thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá. Tuy nhiên thực tế, nhằm đánh vào tâm lý khách hàng cho thấy nhiều cửa hàng có hành vi nâng giá sản phẩm lên rồi mới giảm giá. Như vậy, hành vi này được xem là có dấu hiệu lừa dối khách hàng khi cung cấp thông tin không chính xác về giá cả của sản phẩm
Theo đó, hành vi nêu trên có thể bị xử phạt hành chính, căn cứ quy định tại Điều 47 Nghị định 98/2020/NĐ-CP:
Hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với thương nhân có một trong các hành vi vi phạm về cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng sau đây:
a) Không cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa theo quy định;
b) Không cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa theo quy định;
c) Không cung cấp hướng dẫn sử dụng hoặc không cung cấp thông tin về điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành theo quy định;
d) Không thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch theo quy định;
đ) Che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định.
Như vậy, hành vi nâng giá sản phẩm trước rồi mới giảm giá có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Mức phạt này được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt này là gấp đôi (căn cứ điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP).
Nâng giá sản phẩm trước rồi mới khuyến mại giảm giá có bị xử phạt hay không? Không niêm yết giá nhằm thuận tiện nâng giá sản phẩm bị xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Khuyến mại giảm giá nhưng giá bán vẫn cao hơn giá bán thông thường thì có vi phạm pháp luật không?
Đối với hành vi treo biển khuyến mại giảm giá nhưng giá bán ra vẫn cao hơn giá bán thông thường, thì ngoài căn cứ bị xử phạt tương tự hành vi nâng giá sản phẩm trước rồi mới giảm giá. Thì chủ thể thực hiện hành vi còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý theo Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định:
Hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50.000.000 đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau:
a) Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị trên 500.000.000 đồng.
6. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý khi kiểm tra yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều này.
Như vậy, tùy vào tổng giá trị của hàng hóa mà mức xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm này phải chịu là bao nhiêu. Mức phạt này được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt này là gấp đôi (căn cứ khoản 5 Điều 3 Nghị định 109/2013/NĐ-CP).
Không niêm yết giá nhằm thuận tiện nâng giá sản phẩm bị xử lý như thế nào?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 49/2016/NĐ-CP) có quy định:
Hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa Điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;
b) Niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Như vậy, tại những địa điểm mà theo quy định phải niêm yết giá mà chủ cơ sở kinh doanh không tiến hành niêm yết giá nhằm thuận tiện nâng giá sản phẩm, thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt nêu trên. Mức phạt này được áp dụng đối với hành vi vi phạm của cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt này là gấp đôi (căn cứ khoản 5 Điều 3 Nghị định 109/2013/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.