Năm 2024, khi nào sĩ quan dự bị lên sĩ quan chính thức? Lương sĩ quan chính thức trước và sau cải cách ra sao?
Năm 2024, khi nào sĩ quan dự bị lên sĩ quan chính thức?
Theo Điều 25 Nghị định 78/2020/NĐ-CP về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam, việc Gọi sĩ quan dự bị vào phục vụ tại ngũ diễn ra trong 2 trường hợp sau:
(1) Trong thời chiến, việc gọi sĩ quan dự bị vào phục vụ tại ngũ, thực hiện theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
(2) Trong thời bình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định gọi sĩ quan dự bị chưa phục vụ tại ngũ vào phục vụ tại ngũ, thời hạn là 02 năm.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết việc này.
Hiện nay đang là thời bình nên việc sĩ quan dự bị lên sĩ quan chính thức sẽ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định, sĩ quan dự bị chưa phục vụ tại ngũ có thể vào phục vụ tại ngũ trong thời hạn là 02 năm.
Năm 2024, khi nào sĩ quan dự bị lên sĩ quan chính thức? Lương sĩ quan chính thức trước và sau cải cách ra sao? (Hình từ Internet)
Những đối tượng nào được đăng ký sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam?
Theo Điều 4 Nghị định 78/2020/NĐ-CP thì đối tượng tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị bao gồm:
Đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị
1. Đối tượng tuyển chọn
a) Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ;
b) Hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên;
c) Sinh viên khi tốt nghiệp đại học.
2. Tiêu chuẩn tuyển chọn
a) Tiêu chuẩn chung
Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này có lịch sử chính trị của gia đình và bản thân rõ ràng, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc có đủ tiêu chuẩn chính trị để bồi dưỡng phát triển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, kiến thức chuyên môn, học vấn, tuổi đời phù hợp với từng đối tượng; sức khỏe từ loại 01 đến loại 03 theo quy định tuyển chọn sức khỏe tuyển quân, tuyển sinh quân sự của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
b) Tiêu chuẩn cụ thể
Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ, hạ sĩ quan dự bị đã giữ chức phó trung đội trưởng hoặc cán bộ tiểu đội và tương đương; tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, nếu thiếu, tuyển chọn đến tốt nghiệp trung học cơ sở, với người dân tộc thiểu số tuyển chọn trình độ học vấn lớp 7 trở lên; tuổi đời đối với quân nhân chuyên nghiệp không quá 35, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ và hạ sĩ quan dự bị không quá 30;
Cán bộ, công chức, viên chức tuổi đời không quá 35; riêng đào tạo sĩ quan dự bị ngành y, dược, tuổi đời không quá 40; đào tạo sĩ quan dự bị chính trị phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam;
Công dân tốt nghiệp đại học trở lên, tuổi đời không quá 35; sinh viên khi tốt nghiệp đại học, tuổi đời không quá 30."
Như vậy, những đối tượng sau được đăng ký sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam:
- Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ;
- Hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên;
- Sinh viên khi tốt nghiệp đại học.
Lương sĩ quan quân đội chính thức trước và sau cải cách tiền lương được tính thế nào?
(1) Lương sĩ quan quân đội chính thức trước khi thực hiện cải cách tiền lương
Hiện nay, đến hết ngày 30/6/2024 lương sĩ quan quân đội tính bằng công thức sau:
Mức lương thực hiện = Hệ số lương hiện hưởng x Mức lương cơ sở
Trong đó:
- Mức lương cơ sở: Được điều chỉnh dựa trên các văn bản pháp luật hiện hành phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội ở thời điểm đó. Mức lương này hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng (căn cứ Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP).
- Hệ số lương hiện hưởng: được quy định ở từng nhóm cấp bậc sẽ có sự khác nhau. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ được xác định theo cách xếp loại cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang dựa trên bảng hệ số lương được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Với mỗi ngành nghề, bên cạnh mức lương cơ bản, người lao động còn có thể được hưởng thêm các khoản phụ cấp dựa theo hệ số tương ứng.
*Lưu ý: Mức lương nêu trên chưa bao gồm các khoản phụ cấp.
(2) Lương sĩ quan chính thức sau khi thực hiện cải cách tiền lương
Theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, khi xây dựng bảng lương mới sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Từ ngày 1/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm:
- 01 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm);
- 01 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an;
- 01 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).
Đồng thời Bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Tại Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 còn đưa ra nội dung về việc thiết kế cơ cấu tiền lương mới của thượng tá quân đội gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Như vậy, từ ngày 01/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương thì lương sĩ quan chính thức dự kiến được tính như sau:
Lương sĩ quan quân đội: Lương cơ bản (tại bảng lương mới) + Phụ cấp (nếu có) + Thưởng (nếu có)
Trong đó:
- Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương);
- Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương);
- Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.