Mức phạt cao nhất khi điều khiển ô tô, xe máy có chứa nồng độ cồn mới nhất 2025 là bao nhiêu?
Mức phạt cao nhất khi điều khiển ô tô, xe máy có chứa nồng độ cồn mới nhất 2025 là bao nhiêu?
Căn cứ tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP sẽ thay thế cho mức phạt đã quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định mức phạt nồng độ cồn ô tô, xe máy từ 2025 như sau:
(1) Mức phạt nồng độ cồn đối với xe mô tô, xe gắn máy từ 01/01/2025:
Nồng độ cồn | Mức phạt | Hình phạt bổ sung | Trừ điểm GPLX |
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (Điểm a khoản 6 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) | - | Trừ 04 điểm (Điểm b khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) |
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng (Điểm b khoản 8 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) | - | Trừ 10 điểm (Điểm d khoản 13 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) |
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng (Điểm d khoản 9 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) | Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng (Điểm c khoản 12 Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) | - |
(2) Mức phạt nồng độ cồn đối với ô tô từ 01/01/2025:
Nồng độ cồn | Mức phạt | Hình phạt bổ sung | Trừ điểm GPLX |
Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng (Điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) | - | Trừ 04 điểm (Điểm b khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) |
Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 18 triệu đồng đến 20 triệu đồng (Điểm a khoản 9 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) | - | Trừ 10 điểm (Điểm d khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) |
Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở | Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng (Điểm a khoản 11 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) | Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng (Điểm c khoản 15 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP) |
Theo đó, mức phạt cao nhất khi điều khiển ô tô, xe máy có chứa nồng độ cồn mới nhất 2025 gồm có như sau:
(1) Đối với ô tô:
Mức phạt cao nhất đối với người điều khiển ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có thể lên đến 40.000.000 đồng trong trường hợp người này có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
(2) Đối với xe máy:
Mức phạt cao nhất đối với người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có thể lên đến 10.000.000 đồng trong trường hợp người này có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Mức phạt cao nhất khi điều khiển ô tô, xe máy có chứa nồng độ cồn mới nhất 2025 là bao nhiêu? (Hình từ internet)
Cách tính đơn vị cồn trong rượu, bia?
Theo hướng dẫn tại khoản 1 Phần I Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 4946/QĐ-BYT năm 2020 thì:
Đơn vị cồn là đơn vị đo lường dùng để quy đổi rượu, bia và đồ uống có cồn khác với nồng độ khác nhau về lượng cồn nguyên chất. Một đơn vị cồn tương đương 10 gam cồn (ethanol) nguyên chất chứa trong dung dịch uống.
Cách tính đơn vị cồn trong rượu, bia như sau:
Đơn vị cồn = Dung tích (ml) x Nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi) |
Ví dụ: chai bia 330ml và nồng độ cồn 5% sẽ có số gam cồn là:
330 x 0,05 x 0,79 = 13g; tương đương 1,3 đơn vị cồn.
Như vậy, một đơn vị cồn tương đương với:
- 3/4 chai hoặc 3/4 lon bia 330 ml (5%);
- Một chai hoặc một lon nước trái cây/cider/strongbow có cồn loại 330ml (4,5%);
- Một cốc bia hơi 330 ml (4%);
- Một ly rượu vang 100 ml (13,5%);
- Hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40 ml (30%).
Ai có quyền trừ điểm giấy phép lái xe từ 01/01/2025?
Theo khoản 2 Điều 50 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Mục 1 Chương III Nghị định 168/2024/NĐ-CP và có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm có quy định trừ điểm giấy phép lái xe thì có thẩm quyền trừ điểm giấy phép lái xe đối với hành vi vi phạm đó.
Lưu ý: Việc trừ điểm giấy phép lái xe từ 01/01/2025 phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Khoản 1 Điều 50 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Việc trừ điểm giấy phép lái xe được thực hiện ngay sau khi quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm mà theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP bị trừ điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành;
- Trường hợp cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần mà bị xử phạt trong cùng một lần, nếu có từ 02 hành vi vi phạm trở lên theo quy định bị trừ điểm giấy phép lái xe thì chỉ áp dụng trừ điểm đối với hành vi vi phạm bị trừ nhiều điểm nhất;
- Trường hợp số điểm còn lại của giấy phép lái xe ít hơn số điểm bị trừ thi áp dụng trừ hết số điểm còn lại của giấy phép lái xe đó;
- Trường hợp giấy phép lái xe tích hợp giấy phép lái xe không thời hạn (xe mô tô, xe tương tự xe mô tô) và giấy phép lái xe có thời hạn (xe ô tô, xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ) thì người có thẩm quyền xử phạt thực hiện trừ điểm đối với giấy phép lái xe không thời hạn khi người điều khiển xe mô tô, xe tương tự xe mô tô hoặc trừ điểm giấy phép lái xe có thời hạn khi người điều khiển xe ô tô, xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ thực hiện hành vi vi phạm hành chính có quy định bị trừ điểm giấy phép lái xe;
- Không trừ điểm giấy phép lái xe khi giấy phép lái xe đó đang trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.