Mức lương hưu mới sẽ được nhận từ 14/8/2023 và chi trả thêm phần chênh lệch tăng thêm chưa lĩnh 07/2023?
Mức lương hưu mới sẽ được nhận từ 14/8/2023
Theo Công văn 451/CSXH-HT 2023 (tải về) cung cấp thông tin điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH:
Căn cứ quy định về hiệu lực thi hành của Nghị định 42/2023/NĐ-CP ngày 29/6/2023 của Chính phủ, Thông tư 06/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29/6/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ý kiến của Văn phòng Chính phủ tại Công văn 5277/VPCP-KTTH ngày 13/7/2023, ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn 2664/LĐTBXH-BHXH ngày 13/7/2023 và ý kiến của Tổng Giám đốc ngày 17/7/2023, Ban Thực hiện chính sách BHXH đề nghị Trung tâm Truyền thông có thông báo về nội dung sau đây:
Để kịp thời đảm bảo chế độ, chính sách đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, tại kỳ chi trả tháng 8/2023, Ngành BHXH Việt Nam sẽ tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng theo mức hưởng mới từ ngày 14/8/2023 (ngày Nghị định 42/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành); đồng thời thực hiện truy trả đầy đủ phần chênh lệch tăng thêm chưa lĩnh của tháng 7/2023.
Đề nghị Trung tâm Truyền thông thông báo đến BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời thông báo đến các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương để thông tin đến người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng được biết.
Mức lương hưu mới sẽ được nhận từ 14/8/2023 (Hình từ Internet)
Mức tăng lương hưu, trợ cấp BHXH từ 01/7/2023
Theo Điều 2 Nghị định 42/2023/NĐ-CP, từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, điều chỉnh như sau:
- Tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này đã được điều chỉnh theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
- Tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2023 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này chưa được điều chỉnh theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này, sau khi điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều này, có mức hưởng thấp hơn 3.000.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 2.700.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định tại Điều này là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu được quy định tại Điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần quy định tại Điều 62 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:
a) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
b) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
c) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
d) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
đ) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
e) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;
g) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
...
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.