Mức lương của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2023 là bao nhiêu? Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do ai bầu?
- Mức lương của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2023 là bao nhiêu?
- Để trở thành Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì phải giữ chức vụ Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trong bao lâu?
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do ai bầu?
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền quyết định thành lập Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao hay không?
Mức lương của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2023 là bao nhiêu?
Ngày 11/11/2022, Quốc hội đã thông qua dự toán tăng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2023 theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15.
Căn cứ tại Mục 2 Bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11 được bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 973/2015/UBTVQH13 có quy định Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có 2 bậc hệ số lương là 10,4 và 11,00.
Như vậy theo những quy định trên mức lương của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2023 như sau:
- Trước ngày 01/7/2023 mức lương của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là 15.496.000 đồng và 16.390.000 đồng.
- Từ ngày 01/7/2023 trở về sau mức lương của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là 18.720.000 đồng và 19.800.000 đồng.
Mức lương của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2023 là bao nhiêu? Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do ai bầu? (Hình từ Internet)
Để trở thành Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì phải giữ chức vụ Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trong bao lâu?
Căn cứ tại tại tiết 2.16 tiểu mục 2 Mục 2 Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 quy định như sau:
2. Tiêu chuẩn chức danh cụ thể
...
2.16. Chức danh khối cơ quan tư pháp
a) Toà án nhân dân tối cao
a.1) Chánh án Toà án nhân dân tối cao
Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; đủ tiêu chuẩn chức danh Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực được phân công; có năng lực xây dựng pháp luật. Có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các cơ quan tư pháp; công tâm, khách quan trong chỉ đạo công tác xét xử. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp tỉnh hoặc lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên.
a.2) Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao
Có trình độ chuyên môn cao và am hiểu sâu sắc về hệ thống pháp luật Việt Nam; hiểu biết pháp luật và thông lệ quốc tế. Có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực được phân công; có năng lực xây dựng pháp luật. Có kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan tư pháp; bản lĩnh chính trị vững vàng, công tâm, khách quan trong chỉ đạo công tác xét xử. Là Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và đã kinh qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ trưởng hoặc tương đương trở lên.
...
Như vậy theo quy định trên để trở thành Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì phải giữ chức vụ Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do ai bầu?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 26 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định như sau:
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước.
Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
2. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Như vậy theo quy định trên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền quyết định thành lập Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao hay không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 31 Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định như sau:
Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao
1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao gồm Chánh án, các Phó Chánh án là Thẩm phán cao cấp và một số Thẩm phán cao cấp do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao.
Số lượng thành viên Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao không dưới mười một người và không quá mười ba người.
2. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng;
b) Thảo luận, góp ý kiến đối với báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao về công tác của Tòa án nhân dân cấp cao để báo cáo Tòa án nhân dân tối cao.
3. Phiên họp của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
Như vậy theo quy định trên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền quyết định thành lập Ủy ban Thẩm phán Tòa án theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.