Một người có thể đồng thời làm người đứng đầu hai văn phòng đại diện của hai thương nhân nước ngoài khác nhau không?
- Thương nhân nước ngoài thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện nào?
- Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có chức năng gì?
- Hồ sơ thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định thế nào?
- Có được cùng lúc làm người đứng đầu văn phòng đại diện của hai thương nhân nước ngoài khác nhau không?
Thương nhân nước ngoài thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện nào?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhận nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
- Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
- Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
- Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
- Trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi chung là Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành).
Như vây, để thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam thì thương nhân nước ngoài bắt buộc phải đáp ứng được tất cả các điều kiện như trên.
Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có chức năng gì?
Theo Điều 30 Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định về nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam như sau:
- Văn phòng đại diện thực hiện chức năng văn phòng liên lạc, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thúc đẩy cơ hội đầu tư kinh doanh của thương nhân mà mình đại diện, không bao gồm ngành dịch vụ mà việc thành lập Văn phòng đại diện trong lĩnh vực đó được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
Hồ sơ thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định thế nào?
Theo như Điều 10 Nghị định 07/2016/NĐ-CP thì hồ sơ cấp giấy phép hoạt động văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam gồm những thành phần sau:
(1) Hồ sơ 01 bộ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
- Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài;
- Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Văn phòng đại diện;
- Bản sao báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;
- Bản sao hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Văn phòng đại diện;
- Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện bao gồm:
+ Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Văn phòng đại diện;
+ Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 28 Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan.
- Tài liệu quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm d và Điểm đ (đối với trường hợp bản sao hộ chiếu của người đứng đầu Văn phòng đại diện là người nước ngoài) Khoản 1 Điều này phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tài liệu quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này phải được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận hoặc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo đó, khi có nhu cầu thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam thì thương nhân nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ theo những thành phần kể trên. Ngoài ra, thương nhân nước ngoài còn phải dịch một số tài liệu theo quy định của pháp luật sang tiếng Việt để thuận lợi cho việc đăng ký thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Có được cùng lúc làm người đứng đầu văn phòng đại diện của hai thương nhân nước ngoài khác nhau không?
Căn cứ vào khoản 6 Điều 33 Nghị định 07/2016/NĐ-CP như sau:
“Điều 33. Người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh
…
6. Người đứng đầu Văn phòng đại diện của một thương nhân nước ngoài không được kiêm nhiệm các chức vụ sau:
a) Người đứng đầu Chi nhánh của cùng một thương nhân nước ngoài;
b) Người đứng đầu Chi nhánh của thương nhân nước ngoài khác;
c) Người đại diện theo pháp luật của thương nhân nước ngoài đó hoặc thương nhân nước ngoài khác;
d) Người đại diện theo pháp luật của tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định pháp luật Việt Nam.
…”
Như vậy, theo quy định trên thì một có nhân có thể làm người đứng đầu văn phòng đại diện tại Việt Nam cho hai hoặc nhiều thương nhân nước ngoài khác nhau mà không vi phạm pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.