Mô hình DPSIR là gì? Phương pháp lập báo cáo hiện trạng môi trường được thực hiện theo phương pháp nào? Cấu trúc, nội dung báo cáo hiện trạng môi trường?
Mô hình DPSIR là gì?
Mô hình DPSIR là mô hình mô tả mối quan hệ tương hỗ giữa:
- Động lực - Dynamic (phát triển kinh tế - xã hội, nguyên nhân sâu xa của các biến đổi môi trường).
- Sức ép - Presures (các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm và suy thoái môi trường).
- Hiện trạng - State (hiện trạng chất lượng môi trường).
- Tác động - Impacts (tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe cộng đồng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái).
- Đáp ứng - Response (các đáp ứng của nhà nước và xã hội để bảo vệ môi trường).
Đây là một phương pháp đánh giá tổng hợp do Tổ chức Môi trường Châu Âu (EEA) xây dừng từ những năm 1999 nhằm xác định, phân tích và đánh giá các chuỗi quan hệ nguyên nhân – kết quả: nguyên nhân gây ra các vấn đề môi trường, hậu quả và các biện pháp ứng phó cần thiết. Cấu trúc của mô hình bao gồm các thông số chỉ thị về điều kiện tự nhiên – kinh tế – xã hội của vùng nghiên cứu.
Mô hình DPSIR là gì?
Phương pháp lập báo cáo hiện trạng môi trường là gì?
Căn cứ theo Điều 67 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định phương pháp lập báo cáo hiện trạng môi trường như sau:
- Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia và địa phương được lập theo mô hình Động lực - Sức ép - Hiện trạng - Tác động - Đáp ứng (mô hình DPSIR).
- Báo cáo hiện trạng môi trường của các bộ, cơ quan ngang bộ được lồng ghép vào báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Như vậy, phương pháp lập báo cáo hiện trạng môi trường được áp dụng theo mô hình DPSIR và được lồng ghép vào báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Nguồn thông tin phục vụ lập báo cáo hiện trạng môi trường lấy từ đâu?
Căn cứ những vấn đề bức xúc về môi trường và công tác quản lý nhà nước về môi trường, Cơ quan được giao lập báo cáo hiện trạng môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt chủ đề báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia trước năm lập báo cáo.
Căn cứ những vấn đề bức xúc về môi trường và công tác quản lý nhà nước về môi trường của địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ đề báo cáo chuyên đề về môi trường của địa phương trước năm lập báo cáo.
Theo khoản 2 Điều 69 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT thì nguồn thông tin phục vụ lập báo cáo hiện trạng môi trường được lấy từ các nguồn sau:
- Thông tin môi trường từ các báo cáo tổng quan và báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường quốc gia, báo cáo tổng quan và báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường của địa phương đã được phê duyệt;
- Thông tin từ các niên giám thống kê quốc gia, ngành và địa phương;
- Kết quả các chương trình quan trắc môi trường;
- Thông tin từ các bộ, cơ quan ngang bộ, các sở, ban, ngành liên quan;
- Thông tin từ các nguồn khác: kết quả của các chương trình nghiên cứu khoa học hoặc đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ và cấp tỉnh đã được nghiệm thu;
- Thông tin từ các chương trình điều tra, khảo sát bổ sung về những vấn đề môi trường chuyên đề nhằm mục đích hỗ trợ dữ liệu cho công tác lập báo cáo hiện trạng môi trường.
Cấu trúc, nội dung báo cáo hiện trạng môi trường?
Cấu trúc, nội dung của báo cáo hiện trạng môi trường được quy định tại Điều 70 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT và khoản 3 Điều 120 Luật Bảo vệ môi trường 2020, cụ thể như sau:
- Nội dung chính của báo cáo hiện trạng môi trường bao gồm:
+ Tổng quan về tự nhiên, kinh tế, xã hội;
+ Các tác động môi trường;
+ Hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường;
+ Các vấn đề bức xúc về môi trường và nguyên nhân;
+ Tác động của môi trường đối với kinh tế, xã hội;
+ Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật và các hoạt động bảo vệ môi trường; hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường;
+ Dự báo thách thức về môi trường;
+ Phương hướng và giải pháp bảo vệ môi trường.
- Cấu trúc, nội dung của báo cáo tổng quan và báo cáo chuyên đề về hiện trạng môi trường quốc gia và địa phương theo quy định tại Mẫu số 07 và Mẫu số 08 Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.
- Trong quá trình lập báo cáo, trên cơ sở thực tế, áp dụng toàn bộ hoặc lược bỏ những nội dung không liên quan; giữ nguyên hoặc sắp xếp lại trật tự cấu trúc nhưng phải bảo đảm đầy đủ các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật Bảo vệ môi trường.
Trên đây là những thông tin chúng tôi cung cấp đến bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.