Mẫu giấy chứng nhận góp vốn mới nhất 2024? Công ty không cấp giấy chứng nhận góp vốn có bị phạt không?
- Giấy chứng nhận góp vốn là gì?
- Giấy chứng nhận góp vốn của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải có nội dung gì?
- Công ty cổ phần có cấp giấy chứng nhận góp vốn không?
- Công ty trách nhiệm hữu hạn không cấp giấy chứng nhận góp vốn thì có bị phạt không?
- Mẫu giấy chứng nhận góp vốn mới nhất hiện nay?
Giấy chứng nhận góp vốn là gì?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có quy định về khái niệm giấy chứng nhận góp vốn. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng, khi cá nhân, tổ chức góp vốn vào công ty thì cần phải có văn bản xác nhận về việc cá nhân, tổ chức đã tiến hành góp vốn và số vốn đã góp là bao nhiêu.
Do đó, giấy chứng nhận góp vốn sẽ là giấy tờ xác nhận các thành viên hoặc cổ đông của công ty đã thực hiện việc góp vốn vào công ty theo quy định để đảm bảo góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết và thực hiện góp vốn đúng thời hạn mà pháp luật quy định.
Giấy chứng nhận góp vốn của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải có nội dung gì?
Căn cứ vào khoản 6 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
Góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp
…
6. Giấy chứng nhận phần vốn góp phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
b) Vốn điều lệ của công ty;
c) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức;
d) Phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp của thành viên;
đ) Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;
e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.”
Như vậy, giấy chứng nhận góp vón của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải bảo đảm có đầy đủ thông tin theo quy định trên.
Mẫu giấy chứng nhận góp vốn mới nhất 2024? Công ty không cấp giấy chứng nhận góp vốn có bị phạt không?
Công ty cổ phần có cấp giấy chứng nhận góp vốn không?
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì không có quy định nào liên quan đến giấy chứng nhận góp vốn của công ty cổ phần. Việc góp vốn vào công ty cổ phần sẽ được lữu giữ và giám sát bởi sổ đăng ký cổ đông quy định tại Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
Sổ đăng ký cổ đông
1. Công ty cổ phần phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sổ đăng ký cổ đông có thể là văn bản giấy, tập dữ liệu điện tử ghi nhận thông tin về sở hữu cổ phần của các cổ đông công ty.
2. Sổ đăng ký cổ đông phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
b) Tổng số cổ phần được quyền chào bán, loại cổ phần được quyền chào bán và số cổ phần được quyền chào bán của từng loại;
c) Tổng số cổ phần đã bán của từng loại và giá trị vốn cổ phần đã góp;
d) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;
đ) Số lượng cổ phần từng loại của mỗi cổ đông, ngày đăng ký cổ phần.
3. Sổ đăng ký cổ đông được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty hoặc các tổ chức khác có chức năng lưu giữ sổ đăng ký cổ đông. Cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục, sao chép tên và địa chỉ liên lạc của cổ đông công ty trong sổ đăng ký cổ đông.
4. Trường hợp cổ đông thay đổi địa chỉ liên lạc thì phải thông báo kịp thời với công ty để cập nhật vào sổ đăng ký cổ đông. Công ty không chịu trách nhiệm về việc không liên lạc được với cổ đông do không được thông báo thay đổi địa chỉ liên lạc của cổ đông.
5. Công ty phải cập nhật kịp thời thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan theo quy định tại Điều lệ công ty.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì công ty cổ phần sẽ không cấp giấy chứng nhận góp vốn mà chỉ cần lập sổ đăng ký cổ đông theo quy định trên.
Công ty trách nhiệm hữu hạn không cấp giấy chứng nhận góp vốn thì có bị phạt không?
Căn cứ vào Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm khác liên quan đến tổ chức, quản lý doanh nghiệp
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Bổ nhiệm người không được quyền quản lý doanh nghiệp giữ các chức danh quản lý doanh nghiệp;
b) Bổ nhiệm người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc (Tổng Giám đốc).
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty;
b) Không lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông phát hành cổ phiếu;
c) Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;
d) Không lưu giữ các tài liệu tại trụ sở chính hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ công ty.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc miễn nhiệm chức danh quản lý của người không được quyền quản lý doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc miễn nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng Giám đốc) đối với người không đủ tiêu chuẩn và điều kiện đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
d) Buộc lập sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
đ) Buộc gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.
Theo đó thì công ty sẽ bị xử phạt hành chính từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 khi không cấp giấy chứng nhận góp vốn cho thành viên.
Ngoài ra, công ty còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty.
Mẫu giấy chứng nhận góp vốn mới nhất hiện nay?
Như đã đề cập ở nội dung bên trên, thì pháp luật hiện nay không quy định về mẫu giấy chứng nhận góp vốn theo chuẩn nào cả. Tuy nhiên, giấy chứng nhận góp vốn đối với thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải đảm bảo có đầy đủ thông tin theo quy định pháp luật.
Tải mẫu giấy chứng nhận góp vốn công ty trách nhiệm hữu hạn: Tại đây.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.