Mã ngành theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam về hoạt động tư vấn tài chính, đầu tư như thế nào?
Mã ngành theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam về hoạt động tư vấn tài chính, đầu tư như thế nào?
Có thể tham khảo các mã ngành sau tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành như sau:
(1) “702 - 7020 - 70200: Hoạt động tư vấn quản lý
Nhóm này gồm: Việc cung cấp tư vấn, hướng dẫn và trợ giúp điều hành đối với doanh nghiệp và các tổ chức khác trong vấn đề quản lý, như lập chiến lược và kế hoạch hoạt động, ra quyết định tài chính, mục tiêu và chính sách thị trường, chính sách nguồn nhân lực, thực thi và kế hoạch; tiến độ sản xuất và kế hoạch giám sát. Việc cung cấp dịch vụ kinh doanh này có thể bao gồm tư vấn, hướng dẫn hoặc trợ giúp hoạt động đối với doanh nghiệp hoặc các dịch vụ cộng đồng như:
- Quan hệ và thông tin cộng đồng;
- Hoạt động vận động hành lang;
- Thiết kế phương pháp kiểm toán hoặc cơ chế, chương trình chi phí kiểm toán, cơ chế điều khiển ngân quỹ;
- Tư vấn và giúp đỡ kinh doanh hoặc dịch vụ lập kế hoạch, tổ chức, hoạt động hiệu quả, thông tin quản lý...
Loại trừ:
- Thiết kế phần mềm máy vi tính cho hệ thống kiểm toán được phân vào nhóm 62010 (Lập trình máy vi tính);
- Tư vấn và đại diện pháp lý được phân vào nhóm 6910 (Hoạt động pháp luật);
- Hoạt động kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế được phân vào nhóm 69200 (Hoạt động liên quan đến kế toán, kiểm toán và tư vấn về thuế);
- Kiến trúc, tư vấn kỹ thuật và công nghệ khác được phân vào nhóm 7110 (Hoạt động về kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan), 7490 (Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu);
- Hoạt động quảng cáo được phân vào nhóm 73100 (Quảng cáo);
- Nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận được phân vào nhóm 73200 (Nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận);
- Dịch vụ sắp xếp và tư vấn giới thiệu việc làm được phân vào nhóm 78100 (Hoạt động của các trung tâm, đại lý tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động, việc làm);
- Hoạt động tư vấn giáo dục được phân vào nhóm 85600 (Dịch vụ hỗ trợ giáo dục).”
(2) “749 - 7490: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu
Trong đó:
74909: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác còn lại chưa được phân vào đâu
Nhóm này gồm: Các dịch vụ đa dạng phục vụ khách hàng tiêu dùng. Gồm những hoạt động có kỹ năng chuyên môn, khoa học và công nghệ:
- Hoạt động phiên dịch;
- Hoạt động của các tác giả sách khoa học và công nghệ;
- Hoạt động của những nhà báo độc lập;
- Hoạt động môi giới thương mại, sắp xếp có mục đích và bán ở mức nhỏ và trung bình, bao gồm cả thực hành chuyên môn, không kể môi giới bất động sản;
- Hoạt động môi giới bản quyền (sắp xếp cho việc mua và bán bản quyền);
- Hoạt động đánh giá trừ bất động sản và bảo hiểm (cho đồ cổ, đồ trang sức...);
- Thanh toán hối phiếu và thông tin tỷ lệ lượng;
- Tư vấn chứng khoán;
- Tư vấn về nông học;
- Tư vấn về công nghệ khác;
- Hoạt động tư vấn khác trừ tư vấn kiến trúc, kỹ thuật và quản lý...
Theo đó, doanh nghiệp có thể tham khảo đăng ký mã ngành 7020, 7490 theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nêu trên để hoạt động tư vấn quản lý, tư vấn chuyên môn khác.
Mã ngành theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam về hoạt động tư vấn tài chính, đầu tư (Hình ảnh Internet)
Hoạt động tư vấn tài chính, đầu tư có cần giấy phép con không?
Căn cứ theo Phụ lục IV ban hành kèm Luật Đầu tư 2020 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không có liệt kê hoạt động kinh doanh tư vấn về tài chính nên hoạt động tư vấn tài chính không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Về hoạt động tư vấn đầu tư thì tùy nội dung tư vấn đầu tư gì mà xác định, nếu có các hoạt động tư vấn về đầu tư sau thì là ngành nghề kinh doanh có điều kiện:
+ Kinh doanh dịch vụ tư vấn quản lý dự án đầu tư xây dựng;
+ Kinh doanh bất động sản có bao gồm hoạt động tư vấn bất động sản;
+ Tư vấn chuyên ngành điện lực.
Như vậy, nếu hoạt động tư vấn đầu tư nếu không thuộc các hoạt động tư vấn về đầu tư thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên thì không có quy định về điều kiện cũng như yêu cầu phải có giấy phép con để kinh doanh.
*Lưu ý: Phụ lục IV ban hành kèm Luật Đầu tư 2020 được bổ sung bởi:
- Khoản 1 Điều 2 Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022;
- Khoản 1 Điều 63 Luật Lưu trữ 2024;
- Điều 155 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
Hoạt động tư vấn pháp luật cần đáp ứng điều kiện gì?
Theo Công văn 4750/BKHĐT-ĐKKD năm 2020 về đăng ký kinh doanh ngành, nghề tư vấn pháp lý, dịch vụ pháp lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn như sau:
"2. Đối với ngành, nghề kinh doanh “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý”
- Trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành, nghề bao gồm cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý” thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp theo đúng quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11, không thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với ngành, nghề này theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
- Trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động tư vấn và dịch vụ khác mà ngành, nghề kinh doanh không bao gồm cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý” (ví dụ: tư vấn tài chính; tư vấn thuế; tư vấn đăng ký doanh nghiệp; tư vấn du học; dịch vụ xin visa, giấy phép lao động, thể tạm trú cho người nước ngoài...) thì thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Cơ quan đăng ký kinh doanh."
Theo đó, doanh nghiệp lưu ý đăng ký hoạt động tư vấn nếu ngành, nghề bao gồm cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý” thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư 2006 và thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp theo đúng quy định Luật Luật sư 2006.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.