Lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, lương hưu 2025 có gì mới? Có tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, lương hưu 2025 không?
Lương cơ sở 2025 có tăng không?
Tại Kết luận 83-KL/TW năm 2024 có nêu ra nội dung như sau:
- Việc triển khai thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập nên cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện; đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước để trình Trung ương xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo đó, từ tình hình trên và căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương khu vực công theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi. Trong đó, có thực hiện nội dung về việc điều chỉnh mức lương cơ sở như sau:
Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) kể từ ngày 01/7/2024.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%).
Đồng thời, tại Kết luận 83-KL/TW năm 2024 cũng có nêu sau năm 2026 nếu hoàn thiện hệ thống danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị và sau khi nghiên cứu đánh giá sự phù hợp thì Trung ương sẽ xem xét cải cách toàn diện chính sách tiền lương. Trong đó, có việc xây dựng 5 bảng lương mới và 9 khoản phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo tinh thần Nghị quyết 27.
Do đó, nếu trong năm 2025, khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước chưa đảm bảo thì rất có thể năm 2025 sẽ không cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018. Do đó, dự kiến trong năm 2025 vẫn chưa thực hiện cải cách tiền lương xây dựng 5 bảng lương mới bỏ lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang .
Về việc có tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong năm 2025 không thì hiện chưa có thông tin cụ thể về vấn đề này.
Tuy nhiên Chính phủ có thể điều chỉnh mức lương cơ sở sau khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước (Quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP).
Do đó, nếu khả năng ngân sách Nhà nước có thể thực hiện tăng lương thì rất có thể, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ tiếp tục được tăng lương trong năm 2025.
Do đó, cần chờ bước sang năm 2025, khi Nhà nước có chính sách mới liên quan đến chính sách tiền lương, cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang mới có thể biết chính xác liệu năm 2025 có tăng lương cơ sở nữa không.
Lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, lương hưu 2025 có gì mới? Có tăng lương cơ sở, lương tối thiểu vùng, lương hưu 2025 không? (Hình từ internet)
Lương tối thiểu vùng 2025 có tăng không?
Theo Tiến hành điều tra lao động, tiền lương tại 3400 doanh nghiệp thì vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Quyết định 1225/QĐ-BLĐTBXH năm 2024 điều tra tình hình lao động, tiền lương trong doanh nghiệp trong năm 2024 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Theo kế hoạch, việc điều tra sẽ được tiến hành tại 3.400 doanh nghiệp với 6.800 người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp này ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển.
Cụ thể, gồm:
(1) Vùng đồng bằng Sông Hồng: TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Vĩnh Phúc;
(2) Vùng Đông Bắc: tỉnh Quảng Ninh;
(3) Vùng Tây Bắc: tỉnh Hòa Bình;
(4) Vùng Bắc Trung Bộ: tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An.
(5) Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: TP. Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa;
(6) Vùng Tây Nguyên: tỉnh Đắk Lắk;
(7) Vùng Đông Nam Bộ: TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
(8) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: tỉnh Long An, TP. Cần Thơ.
Trong đó, 2 địa phương có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là: TP. Hà Nội: 700 doanh nghiệp và TP. HCM: 800 doanh nghiệp.
Mục đích của cuộc điều tra này nhằm thu thập thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2025.
Đồng thời, phục vụ công tác quản lý, công bố định kỳ mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động để doanh nghiệp, người lao động tham khảo để thương lượng tiền lương.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng 2025 có thể được điều chỉnh theo hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia dựa trên kết quả điều tra tình hình lao động, tiền lương trong doanh nghiệp trong năm 2024.
Hiện nay, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng như sau
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.960.000 | 23.800 |
Vùng II | 4.410.000 | 21.200 |
Vùng III | 3.860.000 | 18.600 |
Vùng IV | 3.450.000 | 16.600 |
Lương hưu 2025 có tăng không?
Vừa qua,Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 142/2024/QH15 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo đó, đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Về vấn đề này, căn cứ tại Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Điều chỉnh lương hưu
1. Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
2. Điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
3. Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu quy định tại Điều này.
Đồng thời tại Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Mức lương hưu hằng tháng
1. Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 98 của Luật này được tính như sau:
a) Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;
b) Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
2. Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 67 của Luật này.
...
Theo đó, từ 1/7/2025 lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, sẽ điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đang đối với 2 đối tượng sau nhăm bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ:
- Đối tượng có mức lương hưu thấp
- Đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995.
Trước đó, tại Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP quy định từ ngày 01/7/2024, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu của tháng 6/2024 đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP.
Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP, sau khi điều chỉnh theo quy định trên, có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm như sau: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
Mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định nêu trên là căn cứ để tính điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng ở những lần điều chỉnh tiếp theo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.