Luật Cán bộ công chức mới nhất năm 2023 là Luật nào? Những Nghị định nào được sử dụng để hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ công chức 2023?
Luật Cán bộ công chức mới nhất năm 2023 là Luật nào?
Ngày 13/11/2008, Quốc Hội chính thức thông qua Luật Cán bộ công chức 2008 và Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2010.
Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ thông tin, văn bản hoặc dự thảo nào về việc ban hành Luật Cán bộ, công chức mới để thay thế cho Luật Cán bộ, công chức 2008.
Do đó, trong năm 2023, Luật Cán bộ công chức 2008 vẫn sẽ có hiệu lực và tiếp tục được áp dụng cho đến khi có văn bản thay thế.
Luật Cán bộ công chức mới nhất năm 2023 là Luật nào? Những Nghị định nào được sử dụng để hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ công chức 2023? (Hình từ Internet)
Những Nghị định nào được sử dụng để hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ công chức 2023?
Hiện nay, một số Nghị định được sử dụng để hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ công chức 2023, bao gồm:
- Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
- Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
- Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
- Nghị định 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công chức.
- Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
- Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
- Nghị định 110/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 21/2010/NĐ-CP về quản lý biên chế công chức.
- Nghị định 46/2010/NĐ-CP quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức.
- Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định những người là công chức.
- Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Những văn bản nào được dẫn chiếu bởi Luật Cán bộ công chức 2008?
Văn bản nào được dẫn chiếu bởi Luật Cán bộ, công chức 2008 bao gồm:
- Luật phòng, chống tham nhũng 2005.
- Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2005.
- Luật Kiểm toán Nhà nước 2005.
- Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003.
- Luật Bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân 2003.
- Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2002.
- Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2002.
- Luật Tổ chức Chính phủ 2001.
- Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội 1997.
Luật Cán bộ công chức 2008 được áp dụng đối với những đối tượng nào?
Căn cứ tại Điều 84 Luật Cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định áp dụng Luật Cán bộ, công chức 2008 cho những đối tượng sau:
- Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật này đối với những người được bầu cử nhưng không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008; chế độ phụ cấp đối với người đã nghỉ hưu nhưng được bầu cử giữ chức vụ, chức danh cán bộ.
- Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật này đối với người làm việc trong tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
- Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện chế độ công chức đối với người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư, hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước.
- Chính phủ quy định khung số lượng, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; chế độ quản lý, sử dụng đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
- Việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau:
+ Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật;
+ Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật. Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.