Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định yếu tố có hại là gì? Quy định trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc có yếu tố có hại ra sao?
- Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định yếu tố có hại là gì?
- Quy định kiểm soát các yếu tố có hại tại nơi làm việc ra sao?
- Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định người lao động được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân ra sao?
- Xử phạt không trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ khi làm công việc có yếu tố có hại thế nào?
Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định yếu tố có hại là gì?
Căn cứ tại khoản 5 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 có nội dung như sau:
Giải thích từ ngữ
...
5. Yếu tố có hại là yếu tố gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá trình lao động.
...
Như vậy, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định yếu tố có hại là yếu tố gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá trình lao động.
Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định yếu tố có hại là gì? Quy định trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc có yếu tố có hại ra sao?
Quy định kiểm soát các yếu tố có hại tại nơi làm việc ra sao?
Căn cứ tại Điều 18 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định kiểm soát các yếu tố có hại tại nơi làm việc như sau:
- Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng.
- Đối với yếu tố có hại được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động thì người sử dụng lao động phải tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại ít nhất một lần trong một năm.
Đơn vị tổ chức quan trắc môi trường lao động phải có đủ điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực.
- Ngay sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại và kết quả kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải:
+ Thông báo công khai cho người lao động tại nơi quan trắc môi trường lao động và nơi được kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm;
+ Cung cấp thông tin khi tổ chức công đoàn, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu;
+ Có biện pháp khắc phục, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.
- Chính phủ quy định chi tiết về việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và điều kiện hoạt động của tổ chức quan trắc môi trường lao động bảo đảm phù hợp với Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020.
Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định người lao động được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân ra sao?
Căn cứ tại Điều 23 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định người lao động được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động khi làm công việc có yếu tố có hại như sau:
- Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong quá trình làm việc.
- Người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, thiết bị để loại trừ hoặc hạn chế tối đa yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động.
- Người sử dụng lao động khi thực hiện trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
+ Đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;
+ Không phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; không buộc người lao động tự mua hoặc thu tiền của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân;
+ Hướng dẫn, giám sát người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân;
+ Tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ.
- Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.
Xử phạt không trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ khi làm công việc có yếu tố có hại thế nào?
Căn cứ tại khoản 8 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
....
8. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trang cấp hoặc trang cấp không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang cấp nhưng không đạt chất lượng theo quy định; không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức theo quy định; trả tiền thay cho bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
...
Như vậy, theo quy định trên, trường hợp người sử dụng lao động không trang cấp hoặc trang cấp không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang cấp nhưng không đạt chất lượng theo quy định thì tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm mà người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Lưu ý. Mức phạt trên là mức phạt đối với người sử sử dụng lao động là cá nhân. Đối với doanh nghiệp, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tương ứng là từ 6.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng tùy vào số lượng người lao động không được trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân (theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.