Lỗi vượt đèn vàng có bị phạt không? Xe máy, xe ô tô vượt đèn vàng bị phạt bao nhiêu tiền năm 2022?
Những điều cần lưu ý khi gặp đèn vàng?
Căn cư theo quy định tại mục 10.3.2 Điều 10 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Việt Nam QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ, khi gặp đèn vàng người tham gia giao thông chú ý những điểm sau:
- Tín hiệu vàng báo hiệu thay đổi tín hiệu của đèn xanh sang đỏ.
- Tín hiệu vàng bật sáng, phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp.
- Tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Như vậy, khi gặp đèn vàng người điều khiển xe phải chú ý dừng lại trước vạch dừng.
Trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp thường chỉ áp dụng đối với nơi đường giao nhau không có đèn đếm giây.
Bởi, nơi đường giao nhau có đèn đếm giây người điều khiển giao thông hoàn toàn có thể tự chủ về tốc độ của mình. Do vậy, người điều khiển xe khi tham gia giao thông cần chú ý những điểm trên.
Lỗi vượt đèn vàng có bị phạt không? Xe máy, xe ô tô vượt đèn vàng bị phạt bao nhiêu tiền năm 2022? (Hình từ internet)
Lỗi vượt đèn vàng có bị phạt không? Xe máy, xe ô tô vượt đèn vàng bị phạt bao nhiêu tiền năm 2022?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
Hệ thống báo hiệu đường bộ
...
3. Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:
a) Tín hiệu xanh là được đi;
b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;
c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Đồng thời, căn cứ quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm e khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), khi người tham gia giao thông vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
* Đối với xe máy:
Căn cứ quy định tại điểm e khoản 4, điểm b, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) người điều khiển xe máy vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng trong trường hợp gây tai nạn.
* Đối với xe ô tô:
Căn cứ quy định tại điểm a khoản 5, điểm b, c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người điều khiển xe ô tô vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, đồng thời tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng trong trường hợp gây tai nạn.
Ô tô, xe máy vượt đèn vàng có bị giữ xe không?
Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP như sau:
Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
...
32. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 82 như sau:
...
b) Sửa đổi khoản 2 Điều 82 như sau:
2. Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại khoản 6, khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi điểm b khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) như sau:
Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính
...
2. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.
Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật này, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
…
8. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.
Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Như vậy, đối với trường hợp vượt đèn vàng, để bảo đảm bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính người có thẩm quyền xử phạt có thể quyết định tạm giữ phương tiện theo quy định.
Do đó, lỗi vượt đèn vàng vẫn có thể bị giữ xe nên người điều khiển cần chú ý chấp hành tín hiệu đèn vàng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.