Lợi dụng chức vụ quyền hạn là như thế nào? Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đi tù mấy năm?
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là như thế nào?
Căn cứ khoản 6 Điều 3 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP có quy định như sau:
Về một số tình tiết là dấu hiệu định tội
...
6. “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 356 của Bộ luật Hình sự là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung bởi điểm s khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) được hiểu là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.
Ví dụ minh họa: Nguyễn Văn A là Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện B đã thực hiện hành vi trái công vụ, trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện B ký quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Lợi dụng chức vụ quyền hạn là như thế nào? Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đi tù mấy năm?
Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đi tù mấy năm?
Căn cứ Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung bởi điểm s khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) có quy định như sau:
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Theo đó, khung hình phạt dối với tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ bao gồm:
- Khung 1: Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm trong các trường hợp vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại khác về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Khung 2: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi thực hiện hành vi được quy định tại khung 1 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
- Khung 3: Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm khi thực hiện hành vi phạm tội ở khung 1 và phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Cấu thành của Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là gì?
Căn cứ Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 (bổ sung bởi điểm s khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ có các cấu thành tội phạm như sau:
- Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn.
Tức là người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
- Khách thể của tội phạm
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; làm cho các cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.
- Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ: là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái, không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật.
Hậu quả: Gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
- Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi cố ý: Lỗi trong trường hợp chủ thể có ý thức lựa chọn hành vi phạm tội mặc dù có đủ điều kiện lựa chọn xử sự khác không nguy hiểm cho xã hội.
Động cơ phạm tội: Động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.