Lịch tổ chức Festival Huế 2024 như thế nào? Sẽ có các chương trình, hoạt động nào được diễn ra vào Festival Huế 2024?
Lịch tổ chức Festival Huế 2024 như thế nào? Sẽ có các chương trình, hoạt động nào được diễn ra vào Festival Huế 2024?
Ngày 22/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch 386/KH-UBND tổ chức các hoạt động Festival Huế 2024 gắn với định hướng Festival Bốn mùa nhằm tổ chức chuỗi các hoạt động lễ hội trải dài trong năm nhằm tôn vinh quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam, khai thác thế mạnh về danh thắng, các loại hình lễ hội, du lịch tâm linh, thu hút du khách. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, để Thừa Thiên Huế thực sự trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.
Theo Kế hoạch 386/KH-UBND tổ chức các hoạt động Festival Huế 2024 gắn với định hướng Festival Bốn mùa kế hoạch tổ chức các chương trình, hoạt động chính Festival Huế 2024 như sau:
- Chủ đề: “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”
- Thời gian tổ chức: Festival Huế 2024 sẽ được tổ chức với các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm mở đầu bằng Chương trình Khai hội – Lễ Ban 2 Sóc ngày 01/01/2024 và kết thúc bằng Chương trình Countdown ngày 31/12/2024 với điểm nhấn là Tuần lễ Festival Huế 2024 sẽ diễn ra từ ngày 07 đến 12/6/2024.
+ Lễ hội mùa Xuân “Xuân Cố đô” (tháng 1-3):
Lễ hội Mùa Xuân trải dài suốt 3 tháng đầu năm, bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian đặc thù, với điểm nhấn là chương trình Khai mạc Festival Huế Bốn mùa 2024 và lễ Ban Sóc và nhiều hoạt động Tết cung đình và dân gian vô cùng phong phú, độc đáo với những tập tục đón Tết, những không gian văn hóa Tết truyền thống, cùng với các hoạt động vui chơi giải trí ngày xuân của Kinh đô Huế xưa kết hợp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thừa Thiên Huế.
+ Lễ hội mùa Hạ “Kinh thành tỏa sáng” (tháng 4 – 6):
Lễ hội mùa Hạ sẽ lấy Tuần lễ Festival Huế 2024 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ diễn ra từ ngày 07 đến 12/6/2024 làm điểm nhấn.
+ Lễ hội mùa Thu “Huế vào thu” (tháng 7 – 9):
Với điểm nhấn là các hoạt động: vui Tết Trung Thu như Hội đèn lồng quốc tế Huế 2024 kết hợp với các hoạt động trưng bày, sắp đặt, rước đèn lồng, quảng diễn múa lân…
+ Lễ hội mùa Đông “Mùa Đông xứ Huế” (tháng 10 – 12):
Lễ hội Mùa Đông xứ Huế sẽ tổ chức một số hoạt động lễ hội mới tạo cho không khí mùa đông xứ Huế sôi động, ấm áp hơn, đồng thời tạo ra các loại hình vui chơi, giải trí cho du khách thưởng ngoạn trong thời gian lưu lại Cố đô Huế với điểm nhấn là Tuần lễ Âm Nhạc quốc tế và Chương trình Countdown chào đón năm mới.
+ Khung chương trình các hoạt động lễ hội: (tại Phụ lục 01 và 02 ban hành kèm theo Kế hoạch này)
>> Phụ lục 01: Tải về
>> Phụ lục 02: Tải về
Như vậy, Festival Huế 2024 được tổ chức theo định hướng bốn mùa:
- Lễ hội mùa Xuân (tháng 1-3) bao gồm các hoạt động Tết cung đình, không gian văn hóa Tết truyền thống và các lễ hội dân gian.
- Lễ hội mùa Hạ (tháng 4-6) với điểm nhấn Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế.
- Lễ hội mùa Thu (tháng 7-9), trọng tâm là chương trình Tết Trung thu với Hội đèn lồng Huế, kết hợp hoạt động quảng diễn lân - sư tử - rồng đường phố...
- Lễ hội mùa Đông (tháng 10-12), điểm nhấn là Tuần lễ Âm nhạc Huế và kết thúc bằng Chương trình Countdown chào năm mới 2025.
Lịch tổ chức Festival Huế 2024 như thế nào? Sẽ có các chương trình, hoạt động nào được diễn ra vào Festival Huế 2024? (Hình ảnh Internet)
Tổ chức lễ hội bao gồm những nguyên tắc nào?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định nguyên tắc tổ chức lễ hội bao gồm:
- Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.
- Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
- Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
- Giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân.
- Phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
- Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.
- Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Như vậy, tổ chức lễ hội cần đảm bảo các nguyên tắc trên để phát huy giá trị văn hóa, giáo dục, đồng thời góp phần bảo vệ di sản và thúc đẩy phát triển du lịch.
Quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 6 Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội như sau:
- Người tham gia lễ hội có các quyền sau:
+ Thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng;
+ Thể hiện mong muốn Điều tốt đẹp, may mắn đến với cá nhân, gia đình, quê hương và đất nước;
+ Được giao lưu, sinh hoạt văn hóa và hưởng thụ những giá trị văn hóa tinh thần.
- Người tham gia lễ hội có các trách nhiệm sau:
+ Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội;
+ Ứng xử có văn hóa trong hoạt động lễ hội; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội;
+ Thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường;
+ Không tổ chức hoặc tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
+ Không thực hiện việc đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội;
+ Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc chấp hành nghiêm quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 6 Nghị định 110/2018/NĐ-CP còn phải thực hiện các quy định sau: không đi lễ hội trong giờ hành chính; không dùng xe công và các phương tiện công (hoặc thuê khoán phương tiện) tham gia lễ hội (trừ trường hợp thuộc thành phần tham gia tổ chức lễ hội hoặc được giao thực thi nhiệm vụ).
Như vậy, người tham gia lễ hội cần ý thức rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm bản thân để góp phần tổ chức lễ hội diễn ra văn minh, an toàn, hiệu quả.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.