Lâm Đồng có bao nhiêu huyện, thành phố, thị xã hiện nay? Ai có thẩm quyền thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính?
Lâm Đồng có bao nhiêu huyện, thành phố, thị xã trực thuộc hiện nay?
Lâm Đồng là một tỉnh miền núi thuộc Nam Tây Nguyên. Phía đông giáp các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận; phía tây giáp tỉnh Bình Phước; phía tây nam giáp tỉnh Đồng Nai; phía nam- đông nam giáp tỉnh Bình Thuận; phía bắc giáp tỉnh Đắk Lắk.
Để tìm hiểu Lâm Đồng có bao nhiêu huyện, thành phố, thị xã trực thuộc hiện nay, có thể tìm hiểu sơ lược thông tin về lịch sử hình thành tỉnh Lâm đồng sau:
Tháng 2 năm 1976, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam ra Nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam. Theo Nghị định này, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt hợp nhất thành tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 14 tháng 3 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 116-CP chia huyện Bảo Lộc thành 2 huyện: Bảo Lộc, Đạ Huoai; chia huyện Đơn Dương thành 2 huyện: Đơn Dương, Lạc Dương.
Ngày 6 tháng 6 năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 68-HĐBT chia huyện Đạ Huoai thành 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Ngày 24 tháng 10 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 157- HĐBT sáp nhập vùng kinh tế mới Hà Nội vào huyện Đức Trọng, chia huyện Đức Trọng thành 2 huyện: Đức Trọng, Lâm Hà.
Ngày 11 tháng 7 năm 1994, Chính phủ ra Quyết định số 65-CP chia huyện Bảo Lộc thành thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Ngày 17 tháng 11 năm 2004, Chính phủ ra Nghị định số 189/2004/NĐ-CP thành lập huyện Đam Rông.
Đến ngày 31 tháng 12 năm 2004 tỉnh Lâm Đồng có thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc và 10 huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên.
Đến hiện nay, sau nhiều lần thay đổi thì tỉnh Lâm Đồng có 02 thành phố (Đà Lạt và Bảo Lộc) và 10 huyện, cụ thể:
- Hai thành phố trực thuộc tỉnh: thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc
- Có 10 huyện: Bảo Lâm, Cát Tiên, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Đam Rông, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà.
Với các thông tin trên có thể giải đáp được thắc mắc Lâm Đồng có bao nhiêu huyện, thành phố, thị xã trực thuộc hiện nay.
(Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Lâm Đồng)
Lâm Đồng có bao nhiêu huyện, thành phố, thị xã trực thuộc hiện nay? (Hình ảnh từ Internet)
Ai có thẩm quyền thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính?
Căn cứ theo quy định tại Điều 129 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thì thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được quy định như sau:
- Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã;
- Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 129 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.
Việc lấy ý kiến Nhân dân địa phương về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính thực hiện ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 131 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 việc lấy ý kiến thực hiện như sau:
- Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến của Nhân dân là cử tri ở đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo hình thức phát phiếu lấy ý kiến cử tri.
- Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và thực hiện các công việc sau đây:
+ Quyết định thời gian lấy ý kiến, mẫu phiếu lấy ý kiến và các tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến;
+ Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp trong việc lấy ý kiến cử tri; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung lấy ý kiến;
+ Bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lấy ý kiến cử tri;
+ Công khai kết quả lấy ý kiến cử tri trên trang thông tin điện tử của Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
+ Tổ chức việc lấy ý kiến cử tri trên địa bàn tỉnh;
+ Phân bổ kinh phí và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn;
+ Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp dưới trong việc thực hiện lấy ý kiến cử tri;
+ Tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn tỉnh.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
+ Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện lấy ý kiến cử tri;
+ Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung lấy ý kiến trên địa bàn;
+ Tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri địa phương.
- Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
+ Lập danh sách cử tri trên địa bàn tại thời điểm tổ chức lấy ý kiến;
+ Quyết định việc phát phiếu lấy ý kiến cử tri tại xã, phường, thị trấn phù hợp với đặc điểm khu dân cư trên địa bàn;
+ Tổ chức lấy ý kiến cử tri theo từng thôn, tổ dân phố;
+ Tổng hợp biên bản họp, phiếu lấy ý kiến của cử tri; lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri địa phương.
- Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri phải thể hiện tổng số cử tri trên địa bàn, số cử tri tham gia lấy ý kiến, số cử tri đồng ý, số cử tri không đồng ý, các ý kiến khác. Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn cấp huyện, cấp xã được gửi đến Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp trên; báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn cấp tỉnh được gửi đến Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.