Làm CMND giả online được không? Làm chứng minh nhân dân giả online bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Làm CMND giả online được không?
Theo các quy định hiện nay thì làm giả CMND là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Do vậy, người dân không thể thực hiện làm CMND giả online. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Đồng thời, theo Luật Căn cước mới được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, chứng minh nhân dân sẽ bị "khai tử" từ ngày 01/01/2025.
Cụ thể:
Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.
Điều này đồng nghĩa với việc từ 01/01/2025, người dân sẽ không còn sử dụng chứng minh nhân dân, thay vào đó là thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước.
Làm CMND giả online được không? Làm chứng minh nhân dân giả online bị phạt hành chính bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Làm chứng minh nhân dân giả online bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Căn cứ Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có đề cập về việc xử lý vi phạm về làm CMND giả như sau:
Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân
...
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;
c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
d) Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm b và c khoản 2, điểm a khoản 3 và các điểm a, b, c và d khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 4 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 4 Điều này.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì hành vi làm CMND giả online sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. (Lưu ý, mức phạt tiền này chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức thì mức phạt áp dụng sẽ gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.)
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi làm CMND giả online sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và đồng thời bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Người dân có phải đổi thẻ CCCD sang thẻ Căn cước theo Luật mới không?
Tham khảo tại Điều 46 Dự thảo Luật Căn cước có nội dung như sau:
Quy định chuyển tiếp
1. Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ, được cấp đổi sang thẻ căn cước khi công dân có yêu cầu.
2. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng.
Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này.
3. Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Như vậy, theo như nội dung tại Dự thảo thì đối với trường hợp người dân đã được cấp Thẻ căn cước công dân trước ngày mà Luật Căn cước mới có hiệu lực thi hành (01/7/2024) thì vẫn sử dụng đến hết thời hạn ghi trong thẻ. Trường hợp mà người dân có yêu cầu được cấp đổi thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Như vậy, nếu như không có gì thay đổi thì người dân không cần phải đổi thẻ căn cước công dân đang sử dụng (trường hợp thẻ căn cước công dân vẫn còn thời hạn sử dụng) sang thẻ căn cước. Do đó, thẻ căn cước công dân hiện hành vẫn được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn được ghi trong thẻ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.