Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động là ai? 05 nhiệm vụ của Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động phải thực hiện là gì?
Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động là ai? Hệ số lương của Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động là bao nhiêu?
Căn cứ quy định tại Điều 2 Thông tư 30/2022/TT-BLĐTBXH, kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động là viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Theo đó, kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động có mã số chức danh nghề nghiệp là V.09.03.02.
Về hệ số lương, căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư 30/2022/TT-BLĐTBXH, điểm a khoản 2 Điều 9 Thông tư 30/2022/TT-BLĐTBXH và điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư 30/2022/TT-BLĐTBXH như sau:
Cách xếp lương
1. Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, như sau:
...
b) Chức danh nghề nghiệp Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98);
...
2. Xếp lương khi hết thời gian tập sự và được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp:
a) Trường hợp có trình độ tiến sĩ thì được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00 của chức danh nghề nghiệp Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động, mã số: V.09.03.02;
b) Trường hợp có trình độ thạc sĩ thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67 của chức danh nghề nghiệp Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động, mã số: V.09.03.02;
Như vậy, hệ số lương của viên chức Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động như sau:
- Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98);
- Đối với người được bổ nhiệm sau khi hết thời gian tập sự:
+ Trường hợp có trình độ tiến sĩ thì được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00;
+ Trường hợp có trình độ thạc sĩ thì được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67.
Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động là ai? 05 nhiệm vụ Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động phải thực hiện là gì? (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động ra sao?
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động được xác định tại Điều 3 Thông tư 30/2022/TT-BLĐTBXH, khoản 2 Điều 5 Thông tư 30/2022/TT-BLĐTBXH và khoản 3 Điều 5 Thông tư 30/2022/TT-BLĐTBXH.
Cụ thể như sau:
(1) Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp
- Khách quan, thận trọng, nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm đối với công việc được giao;
- Tích cực tham gia nghiên cứu khoa học để phát triển nghề nghiệp;
- Tuân thủ các quyền và nghĩa vụ của viên chức theo quy định tại Luật Viên chức và các quy định khác của pháp luật liên quan đến lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trong quá trình thực hiện nghiệp vụ.
(2) Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật phù hợp với phạm vi thực hiện kiểm định;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động hoặc chứng chỉ kiểm định viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
(3) Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
- Có khả năng làm việc độc lập và thực hiện các nghiệp vụ về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trong phạm vi được phân công phù hợp với chuyên ngành đào tạo;
- Có khả năng nắm bắt và áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động phù hợp với chuyên ngành được đào tạo;
- Có khả năng chủ trì phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác kiểm định kỹ thuật an toàn phù hợp với chuyên ngành được đào tạo;
- Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm và tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ công tác kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
- Nhận biết được các nguy cơ sự cố và thiết lập biện pháp phòng ngừa sự cố trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm định;
- Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động và có khả năng sử dụng ngoại ngữ trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.
Như vậy, Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động được bổ nhiệm khi đáp ứng 03 tiêu chuẩn bổ nhiệm nêu trên.
05 nhiệm vụ Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động phải thực hiện là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 30/2022/TT-BLĐTBXH, Kiểm định viên kỹ thuật an toàn lao động có 05 nhiệm vụ sau:
(1) Xây dựng hoặc tham gia xây dựng kế hoạch kiểm định cho đối tượng kiểm định cụ thể, đúng chuyên ngành theo sự phân công;
(2) Trực tiếp thực hiện việc kiểm định các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả kiểm định; tư vấn kỹ thuật an toàn cho các cơ sở sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong phạm vi được phân công;
(3) Tham gia các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực kiểm định kỹ thuật an toàn được phân công;
(4) Tham gia biên soạn giáo trình và tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, huấn luyện cho cán bộ quản lý và công nhân vận hành các đối tượng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phù hợp với phạm vi kiểm định được phân công;
(5) Tham gia biên soạn chương trình, tài liệu và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật viên kiểm định kỹ thuật an toàn lao động khi được phân công.
Thông tư 30/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 13/02/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.