Không nên giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng? Các phương án tổ chức và hoạt động của văn phòng công chứng theo dự thảo sửa đổi luật công chứng là gì?

Đánh giá của Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) là gì? - Câu hỏi của anh Trung tại Hà Nội

Không nên giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng?

Đánh giá của Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi), đã được đề cập đến tại Mục 1 Chương II Nghị quyết 126/NQ-CP năm 2022 như sau:

- Về cơ bản, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu xây dựng Luật, nội dung cơ bản của các chính sách nhằm tiếp tục đóng góp tích cực vào việc thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng; bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, giá trị sử dụng bản dịch, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

- Chính phủ đề nghị xây dựng Luật cần quán triệt quan điểm về:

Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng;

Thứ hai, bảo đảm phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh xã hội hóa, giảm tải cho bộ máy nhà nước, tạo cơ chế hoạt động minh bạch; đơn giản thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch trong xã hội, ưu tiên người yếu thế, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đề cao trách nhiệm và vai trò đóng góp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng đối với xã hội.

Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, tập trung hoàn thiện Đề nghị với các nội dung sau:

Chính sách 1: Xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng, phạm vi thẩm quyền của công chứng viên và các nguyên tắc cơ bản nhằm phát triển hoạt động công chứng;

Chính sách 2: Phát triển đội ngũ công chứng viên theo hướng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững... nghiên cứu quy định điều kiện, tiêu chí của công chứng viên một cách khoa học, phù hợp như không nên giới hạn độ tuổi hành nghề (70 tuổi) mà theo hướng đủ điều kiện sức khỏe...

Chính sách 3 (Phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội, kiểm soát chặt chẽ việc hợp danh hoặc thay đổi thành viên hợp danh của văn phòng công chứng) và Chính sách 5 (Tăng cường các giải pháp, công cụ quản lý phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng, phát huy trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế);

Chính sách 4: Xây dựng quy trình công chứng linh hoạt, tạo điều kiện phát huy tối đa khả năng và trách nhiệm của công chứng viên nhưng vẫn bảo đảm sự chặt chẽ, đúng yêu cầu của mô hình công chứng nội dung, đồng thời tạo lập được cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp.

Không nên giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng? Các phương án tổ chức và hoạt động của văn phòng công chứng theo dự thảo sửa đổi luật công chứng là gì?

Không nên giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng? Các phương án tổ chức và hoạt động của văn phòng công chứng theo dự thảo sửa đổi luật công chứng là gì? (Hình từ Internet)

Độ tuổi nào thì không được làm công chứng viên theo quy định hiện hành?

Hiện nay, các quy định pháp luật về công chứng và các quy định khác có liên quan, không có quy định nào giới hạn độ tuổi thực hiện công việc công chứng viên.

Đồng thời, căn cứ Điều 13 Luật Công chứng 2014 có nội dung như sau:

Những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên
1. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích hoặc về tội phạm do cố ý.
2. Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
3. Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
4. Cán bộ bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân, viên chức trong đơn vị thuộc Công an nhân dân bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu Công an nhân dân hoặc đưa ra khỏi ngành.
5. Người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật sư, người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có hiệu lực hoặc kể từ ngày chấp hành xong quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư.

Như vậy, nếu rơi vào những trường hợp trên thì người này không được bổ nhiệm làm công chứng viên mà không có nội dung nào đề cập đến độ tuổi không được bổ nhiệm làm công chứng viên.

Hiện nay, Luật Công chứng đang được thảo luận sửa đổi, trong đó một số ý kiến sửa đổi, bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên. Tuy nhiên, như đã phân tích ở mục trên, Chính phủ đã xác định rõ việc xây dựng dự thảo Luật Công chứng cũng như văn bản luật sau này không nên giới hạn độ tuổi hành nghề.

Các phương án tổ chức và hoạt động của văn phòng công chứng theo dự thảo sửa đổi luật công chứng là gì?

Tham khảo nội dung Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đối với việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Công chứng 2014 có hai phương án tổ chức và hoạt động của văn phòng công chứng :

+ Phương án 1:

“1. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Văn phòng công chứng do 01 Công chứng viên thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng công chứng do 02 công chứng trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh”.

+ Phương án 2: Giữ nguyên như khoản 1 Điều 22 Luật Công chứng 2014 hiện hành.

- Sửa đổi, bổ sung khoản 3 về tên gọi của Văn phòng công chứng theo hướng tên gọi của Văn phòng công chứng không bắt buộc phải kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng.

Phương án 1 được đề ra xuất phát từ thực tiễn văn phòng công chứng theo quy định hiện hành, chỉ được hoạt động theo một loại hình duy nhất là công ty hợp danh. Theo đó, phải có ít nhất 02 thành viên hợp danh là công chứng viên đã cho thấy thực tiễn áp dụng bộc lộ nhiều hạn chế, không phù hợp với thực tế.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,568 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào