Khi có tranh chấp xảy ra giữa hai bên, nếu có một bên vắng mặt hoặc không tuân theo chỉ thị của trọng tài thì sẽ như thế nào?
Thỏa thuận trọng tài là gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về khái niệm thỏa thuận trọng tài cụ thể như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
2. Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.
Khái niệm về các bên tranh chấp và trọng tài viên
Các bên tranh chấp
Khoản 3 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về khải niệm các bên tranh chấp cụ thể như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
3. Các bên tranh chấp là cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài tham gia tố tụng trọng tài với tư cách nguyên đơn, bị đơn.
Trọng tài viên
Khoản 5 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về khái niệm trọng tài viên như sau:
Điều 3: Giải thích từ ngữ
...
5. Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này.
Quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên
Căn cứ theo Điều 21 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên cụ thể như sau:
"Điều 21. Quyền, nghĩa vụ của Trọng tài viên
1. Chấp nhận hoặc từ chối giải quyết tranh chấp.
2. Độc lập trong việc giải quyết tranh chấp.
3. Từ chối cung cấp các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp.
4. Được hưởng thù lao.
5. Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
6. Bảo đảm giải quyết tranh chấp vô tư, nhanh chóng, kịp thời.
7. Tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp."
Việc vắng mặt của các bên hoặc không tuân theo chỉ thị của trọng tài thì sẽ như thế nào?
Điều 56 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về việc vắng mặt của các bên hoặc không tuân thủ theo chỉ thị của trọng tài cụ thể như sau:
1. Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận thì bị coi là đã rút đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, Hội đồng trọng tài tiếp tục giải quyết tranh chấp nếu bị đơn có yêu cầu hoặc có đơn kiện lại.
2. Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận thì Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có.
3. Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài có thể căn cứ vào hồ sơ để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên.
Như vậy, nếu nguyên đơn vắng mặt không có lý do chính đáng thì sẽ coi như là rút đơn khởi kiện. Nếu bị đơn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có.
Vắng mặt của các bên hoặc không tuân thủ theo chỉ thị của trọng tài
Phí trọng tài
Theo pháp luật Việt Nam hiện nay chưa quy định về việc nếu không tuân theo chỉ thị của trọng tài thì trọng tài có quyền áp dụng cưỡng chế. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ theo chỉ thị của trọng tài, khả năng rất cao một trong các bên sẽ gặp nhiều vấn đề bất lợi. Một trong những vẫn đề bất lợi đầu tiên mà bên không tuân thủ theo chỉ thị trong tại gặp phải đó là về vấn đề phí trọng tài.
Điều 34 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về phí trọng tài cụ thể như sau:
Điều 34. Phí trọng tài
1. Phí trọng tài là khoản thu từ việc cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Phí trọng tài gồm:
a) Thù lao Trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho Trọng tài viên;
b) Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài;
c) Phí hành chính;
d) Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp;
đ) Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài.
2. Phí trọng tài do Trung tâm trọng tài ấn định. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài vụ việc, phí trọng tài do Hội đồng trọng tài ấn định.
3. Bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác hoặc Hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác.
Trường hợp các bên liên quan có yêu cầu đến việc nộp hoặc tạm ứng phí trọng tài bởi nguyên đơn thì đơn kiện và (hoặc) đơn kiện lại, đơn kiện hoặc đơn kiện lại có thể bị từ chối thụ lý.
Như vậy, đối với trường hợp cụ thể của bạn , vì không được cung cấp rõ thông tin bên vắng mặt là nguyên đơn hay bị đơn nên chúng tôi sẽ trả lời đầy đủ cả hai trường hợp như sau:
- Nếu bên vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc không tuân thủ theo chỉ thị của trọng tài là nguyên đơn thì trong trường hợp đó Hội đồng trọng tài sẽ coi là nguyên đơn đã rút đơn khởi kiện. Lúc đó, Hội đồng trọng tài tiếp tục giải quyết tranh chấp nếu bị đơn có yêu cầu tiếp tục giải quyết hoặc bị đơn kiện ngược lại nguyên đơn.
- Nếu bên vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc không tuân thủ theo chỉ thị của trọng tài là bị đơn thì lúc này Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có.
- Rất có khả năng Trọng tài viên sẽ suy luận theo hướng không có lợi cho bên vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc không tuân theo chỉ thị của trọng tài vì trọng tài suy luận dựa vào tài liệu và chứng cứ hiện có. Từ đó bên vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc không tuân thủ theo chị thị của trọng tài sẽ gặp bất lợi.
- Nếu bên vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc không tuân thủ theo chỉ thị của trọng tài có nộp đơn khởi kiện lại thì khả năng rất cao Hội đồng trọng tài sẽ từ chối thụ lý.
Trên đây là những thông tin chúng tôi cung cấp và gửi tới bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.