Im lặng có được coi là sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân không? Khi nào sự đồng ý có hiệu lực?

Cho tôi hỏi: Khi nào sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân có hiệu lực? Im lặng có được coi là đồng ý hay không? - Câu hỏi của anh Long (Hải Phòng)

Khi nào sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân có hiệu lực?

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 13/2023/NĐ-CP, chủ thể dữ liệu được đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 17 Nghị định 13/2023/NĐ-CP.

Căn cứ khoản 1 Điều 11 Nghị định 13/2023/NĐ-CP, sự đồng ý của chủ thể dữ liệu được áp dụng đối với tất cả các hoạt động trong quy trình xử lý dữ liệu cá nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 13/2023/NĐ-CP có quy định đối với điều kiện có hiệu lực đối với sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân như sau:

Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu
...
2. Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu chỉ có hiệu lực khi chủ thể dữ liệu tự nguyện và biết rõ các nội dung sau:
a) Loại dữ liệu cá nhân được xử lý;
b) Mục đích xử lý dữ liệu cá nhân;
c) Tổ chức, cá nhân được xử lý dữ liệu cá nhân;
d) Các quyền, nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu.

Như vậy, sự đồng ý của chủ thể dữ liệu chỉ có hiệu lực khi chủ thể dữ liệu tự nguyện và biết rõ các nội dung nêu trên.

Trong đó, cần lưu ý một số nội dung sau:

- Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể bằng văn bản, giọng nói, đánh dấu vào ô đồng ý, cú pháp đồng ý qua tin nhắn, chọn các thiết lập kỹ thuật đồng ý hoặc qua một hành động khác thể hiện được điều này.

- Sự đồng ý phải được tiến hành cho cùng một mục đích. Khi có nhiều mục đích, Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân liệt kê các mục đích để chủ thể dữ liệu đồng ý với một hoặc nhiều mục đích nêu ra.

- Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được.

Im lặng có được coi là sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân không? Khi nào sự đồng ý có hiệu lực?

Im lặng có được coi là sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân không? Khi nào sự đồng ý có hiệu lực? (Hình từ Internet)

Im lặng có được coi là sự đồng ý của chủ thể dữ liệu cá nhân không hay không?

Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 11 Nghị định 13/2023/NĐ-CP như sau:

Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu
...
6. Sự im lặng hoặc không phản hồi của chủ thể dữ liệu không được coi là sự đồng ý.

Như vậy, theo quy định trên thì sự im lặng của chủ thể dữ liệu không được coi là sự đồng ý.

Chủ thể dữ liệu cá nhân có thể rút lại sự đồng ý không?

Căn cứ quy định tại Điều 12 Nghị định 13/2023/NĐ-CP như sau:

Rút lại sự đồng ý
1. Việc rút lại sự đồng ý không ảnh hưởng đến tính hợp pháp của việc xử lý dữ liệu đã được đồng ý trước khi rút lại sự đồng ý.
2. Việc rút lại sự đồng ý phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được.
3. Khi nhận yêu cầu rút lại sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân thông báo cho chủ thể dữ liệu về hậu quả, thiệt hại có thể xảy ra khi rút lại sự đồng ý.
4. Sau khi thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này, Bên Kiểm soát dữ liệu, Bên Xử lý dữ liệu, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu, Bên thứ ba phải ngừng và yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan ngừng xử lý dữ liệu của chủ thể dữ liệu đã rút lại sự đồng ý.

Như vậy, theo quy định trên thì chủ thể dữ liệu cá nhân có thể rút lại sự đồng ý với điều kiện không ảnh hưởng đến tính hợp pháp của việc xử lý dữ liệu.

Việc rút lại sự đồng ý phải được thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản.

Trường hợp nào có thể xử lý dữ liệu cá nhân mà không cần sự đồng ý của chủ thể?

Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 13/2023/NĐ-CP như sau:

Xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu
1. Trong trường hợp khẩn cấp, cần xử lý ngay dữ liệu cá nhân có liên quan để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.
2. Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.
3. Việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật.
4. Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật.
5. Phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.

Như vậy, theo quy định trên thì nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên, việc xử lý dữ liệu cá nhân sẽ được thực hiện mà không cần sự đồng ý của chủ thể.

Nghị định 13/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.

Xem toàn bộ Nghị định 13/2023/NĐ-CP Tại đây.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đặng Phan Thị Hương Trà Lưu bài viết
1,272 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào