Hướng dẫn CSGT ghi lời khai những người có liên quan trong vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Thông tư 72 như thế nào?
Hướng dẫn CSGT ghi lời khai những người có liên quan trong vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Thông tư 72 như thế nào?
Căn cứ tại Điều 11 Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định về ghi lời khai của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người bị nạn, người chứng kiến và những người có liên quan khác trong vụ tai nạn giao thông đường bộ như sau:
(1) Việc ghi lời khai phải được lập Biên bản ghi lời khai theo Mẫu số 17/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư 72/2024/TT-BCA; biên bản phải ghi rõ thời gian (giờ, ngày, tháng, năm), địa điểm ghi biên bản; họ, tên, chức vụ người ghi biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp, nhân thân, tình trạng sức khỏe của người được ghi lời khai; thời gian, địa điểm xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ, mật độ giao thông;
Yêu cầu người được ghi lời khai cung cấp bản tự khai (nếu có thể). Đối với người dưới 18 tuổi, khi ghi lời khai phải mời người giám hộ (cha, mẹ, người đại diện hợp pháp hoặc thầy giáo, cô giáo) của người đó tham dự và ký tên vào biên bản.
(2) Ghi lời khai của những người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ: thông tin về giấy phép lái xe; vị trí của phương tiện giao thông trên mặt đường, hướng chuyển động, tốc độ, các thao tác kỹ thuật; nhận biết của người điều khiển phương tiện giao thông trước khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra và việc xử lý của họ như thế nào trước, trong và sau khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra; những tình tiết có liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ; diễn biến, nguyên nhân, hậu quả của vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng thì phải hỏi ngay thời điểm sử dụng, trước hay sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ.
(3) Ghi lời khai của những người bị nạn và người có liên quan khác trong vụ tai nạn giao thông đường bộ: nội dung lời khai phải làm rõ về diễn biến, nguyên nhân vụ tai nạn giao thông đường bộ, thiệt hại về người và tài sản do vụ tai nạn giao thông đường bộ gây ra; trường hợp có người bị thương nặng hoặc có thể bị tử vong phải ghi lời khai ngay hoặc sử dụng camera nghiệp vụ được trang cấp để ghi nhận lời khai; cần đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng. Nếu người bị nạn do bị thương nặng không thể nói được phải lập biên bản, có người chứng kiến.
(4) Ghi lời khai của những người chứng kiến
- Nội dung lời khai phải làm rõ những vấn đề sau đây: mối quan hệ của người chứng kiến với các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ; vị trí, khoảng cách giữa người chứng kiến với nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ, thời tiết, ánh sáng khi xảy ra tai nạn, do đâu mà họ biết về vụ tai nạn giao thông đường bộ; hướng chuyển động của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ (người và phương tiện); phần đường và tốc độ, thao tác xử lý của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ; vị trí của tang vật, phương tiện, người sau khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ, vị trí đó có bị thay đổi không, nếu có thay đổi, xê dịch do ai làm, vì sao? thay đổi như thế nào; trạng thái tâm lý của người gây tai nạn biểu hiện ra bên ngoài (ảnh hưởng của rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, tình trạng sức khoẻ); các yếu tố khác có liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ mà họ biết, còn ai biết về vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra;
- Khi thấy cần thiết, tổ chức cho người chứng kiến thực nghiệm để xác định tính khách quan, xác thực về lời khai;
- Trường hợp chưa thể ghi lời khai của người chứng kiến ngay tại hiện trường thì cán bộ Cảnh sát giao thông ghi lời khai phải ghi lại thông tin về nơi thường trú, công tác, học tập, số điện thoại liên lạc (nếu có) của người chứng kiến. Việc ghi lời khai có thể được thực hiện tại nơi ở, nơi làm việc của người chứng kiến hoặc mời người đó đến trụ sở Công an để lấy lời khai;
- Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có nhiều người chứng kiến, phải chọn lọc lời khai của người có đủ căn cứ để xác minh; trường hợp qua xác minh ban đầu xác định không có người chứng kiến, cán bộ Cảnh sát giao thông phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền.
Hướng dẫn CSGT ghi lời khai những người có liên quan trong vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Thông tư 72 như thế nào? (Hình ảnh Internet)
Nội dung điều tra, xác minh tình tiết của vụ tai nạn giao thông đường bộ gồm những gì?
Căn cứ tại Điều 7 Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định về nội dung điều tra, xác minh tình tiết của vụ tai nạn giao thông đường bộ bao gồm:
(1) Khi tiến hành điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông đường bộ, cán bộ Cảnh sát giao thông có trách nhiệm làm rõ:
- Có hay không có dấu hiệu tội phạm;
- Có hay không có hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; diễn biến, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông đường bộ;
- Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm;
- Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
- Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ gây ra;
- Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ;
- Bất cập, sơ hở, thiếu sót trong tổ chức giao thông, chất lượng hạ tầng giao thông; quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông;
- Trong quá trình điều tra, xác minh có thể đề xuất trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.
(2) Cán bộ Cảnh sát giao thông được phân công đến hiện trường tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ phải lập Biên bản vụ việc theo Mẫu số 02/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư 72/2024/TT-BCA.
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản vụ việc, cán bộ Cảnh sát giao thông lập biên bản phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền để ra Quyết định phân công cán bộ điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Mẫu số 04/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư 72/2024/TT-BCA và lập Kế hoạch điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Mẫu số 05/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư 72/2024/TT-BCA được lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt.
(3) Biện pháp điều tra, xác minh tình tiết của vụ tai nạn giao thông đường bộ được thực hiện theo các điều 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 và 15 Thông tư 72/2024/TT-BCA.
Tiếp nhận tin báo về tai nạn giao thông đường bộ tại trụ sở đơn vị như thế nào?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định về tiếp nhận tin báo về tai nạn giao thông đường bộ tại trụ sở đơn vị như sau:
Cán bộ trực ban tiếp nhận tin báo về tai nạn giao thông đường bộ phải hỏi rõ các thông tin sau:
- Họ tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của người báo tin;
- Thời gian nhận tin báo, thời gian, địa điểm xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ;
- Thiệt hại ban đầu về người: số người chết, số người bị thương (nếu có);
- Thông tin phương tiện (biển số, loại phương tiện, đặc điểm khác nếu có), thiệt hại về phương tiện đường bộ, công trình giao thông đường bộ và tài sản khác (nếu có);
- Họ tên, địa chỉ, số điện thoại của những người liên quan hoặc người biết về vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra (nếu có);
- Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có người điều khiển phương tiện bỏ chạy thì phải hỏi rõ thông tin về đặc điểm phương tiện (biển số, màu sắc, chủng loại, nhãn hiệu), hướng di chuyển của phương tiện, đặc điểm của người điều khiển phương tiện;
- Những thông tin khác về vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Lưu ý: Thông tư 72/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/1/2025.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.