Học sinh tiểu học khác trình độ (lớp) có được phép học cùng lớp không? Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn dạy học lớp ghép cho học sinh tiểu học như thế nào?
Học sinh tiểu học khác trình độ (lớp) có được phép học cùng lớp không?
Theo Công văn 5335/BGDĐT-GDTH năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc tổ chức dạy học lớp ghép cho học sinh tiểu học, cụ thể như sau:
Lớp ghép là lớp học có học sinh ở hai nhóm trình độ (lớp) khác nhau trở lên cùng học và do một giáo viên trực tiếp giảng dạy trong cùng một thời gian nhằm đạt được mục tiêu giáo dục của từng nhóm trình độ. Trong đó, lớp ghép có học sinh ở hai nhóm trình độ khác nhau gọi là lớp ghép hai trình độ, lớp ghép ở ba nhóm trình độ khác nhau thì gọi là lớp ghép nhóm ba trình độ. Ví dụ lớp ghép có học sinh trình độ lớp 2 và học sinh trình độ lớp 3 thì gọi là Lớp ghép (2+3).
Như vậy, học sinh tiểu học khác trình độ vẫn có thể học cùng nhau trong lớp ghép tuy nhiên theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mỗi lớp ghép không quá 15 học sinh và không quá hai trình độ. Trường hợp đặc biệt lớp ghép có thể ghép ba trình độ nhưng không quá 10 học sinh. Lớp ghép hai trình độ hoặc lớp ghép ba trình độ đều được tính là một đơn vị lớp ghép. Ưu tiên tổ chức lớp ghép gồm các trình độ liền nhau và hạn chế ghép lớp trình độ không liền nhau.
Học sinh tiểu học khác trình độ (lớp) có được phép học cùng lớp không? Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn dạy học lớp ghép cho học sinh tiểu học như thế nào?
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn dạy học lớp ghép cho học sinh tiểu học như thế nào?
Tại tiểu mục 1 Mục II Công văn 5335/BGDĐT-GDTH năm 2022 hướng dẫn về việc xây dựng dạy học lớp ghép đối với học sinh tiểu học như sau:
- Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Công văn 2345/BGDĐT-GDTH năm 2021, kế hoạch dạy học lớp ghép được xây dựng cho cả năm học, mỗi học kỳ, từng tháng, từng tuần học phù hợp với các trình độ, nhưng bảo đảm tính linh hoạt về hình thức tổ chức phù hợp với đối tượng học sinh để đến cuối năm học tất cả học sinh đều đạt được mục tiêu giáo dục của từng trình độ tương ứng.
Nội dung, mức độ, thời lượng các hoạt động giáo dục đối với lớp ghép được thực hiện linh hoạt căn cứ vào điều kiện, đặc điểm cụ thể của lớp ghép, trên cơ sở bảo đảm việc tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc theo quy định của chương trình.
Trong đó, yêu cầu thực hiện dạy học đúng, đủ nội dung chương trình môn học đối với môn Toán, Tiếng Việt theo quy định cho từng nhóm trình độ, trong đó đặc biệt quan tâm hoạt động củng cố, tăng cường tiếng Việt đối với học sinh trình độ lớp 1, lớp 2. Ngoài ra, đối với các môn học khác, xây dựng dạy học lớp ghép đúng nội dung trọng tâm và thiết kế các chủ đề dạy học theo hướng tích hợp nội môn (thiết kế các chủ đề dạy học trong cùng môn học) hoặc liên môn (xây dựng các chủ đề dạy học có nội dung gần nhau của các môn học) bảo đảm yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục theo quy định đối với các nhóm trình độ khác nhau.
- Kế hoạch bài dạy cần được thiết kế đa dạng, linh hoạt phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường và từng nhóm đối tượng, nhóm trình độ của học sinh, bảo đảm đạt mục tiêu, chất lượng dạy học theo quy định của chương trình.
- Thực hiện ghép các bài học kiến thức mới ở các chủ đề học tập khác nhau (các bài khác nhau), ở những môn học khác nhau với những bài ôn tập, luyện tập, thực hành thành các chủ đề học tập (liên môn, nội môn) bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện tại đơn vị, phù hợp với đối tượng học sinh, đạt được mục tiêu dạy học.
- Khi xây dựng Kế hoạch bài dạy cần hạn chế ghép những môn học không có bài kiểm tra định kỳ với những môn học có bài kiểm tra định kỳ, tăng cường thực hiện các chủ đề dạy học tích hợp, tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm kiến thức môn học để hình thành phẩm chất, năng lực.
- Trong tổ chức hoạt động dạy học, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn giáo viên cần tích cực đổi mới, vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học, tùy vào điều kiện thực tế của lớp ghép mà giáo viên cần chú trọng thực hiện các phương pháp, kỹ thuật dạy học cho phù hợp với khả năng nhận thức của từng học sinh.
- Thực hiện dạy học phân hóa đối tượng để mỗi học sinh được tạo điều kiện tự mình thực hiện các nhiệm vụ học tập và trải nghiệm môn học, hình thành thói quen và khả năng tự học và làm việc độc lập cho học sinh.
- Tổ chức các chủ đề học tập trong cùng nhóm trình độ để học sinh được hoạt động, tương tác, thảo luận cùng các bạn và hoàn thành nhiệm vụ học tập, qua đó hình thành khả năng làm việc nhóm, hợp tác và chia sẻ trong quá trình học tập.
- Tùy vào điều kiện cụ thể, đặc trưng của các môn học, hoạt động giáo dục, giáo viên tăng cường tổ chức các chủ đề học tập được thiết kế liên môn, nội môn để dạy học chung cho các nhóm trình độ khác nhau trong cùng một lớp ghép nhằm tăng cường sự tương tác, giao tiếp, hỗ trợ nhau trong quá trình học tập giúp học sinh có nhiều cơ hội hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực.
- Thực hiện đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ, kết quả học tập của học sinh đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần đạt của môn Tiếng Việt, môn Toán theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
- Thực hiện đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ của học sinh đáp ứng yêu cầu cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục và sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Mục đích của việc tổ chức dạy học lớp ghép là gì?
Tại tiểu mục 1 Mục I Công văn 5335/BGDĐT-GDTH năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận mục đích của việc tổ chức dạy học lớp ghép nhằm mục đích:
- Thực hiện bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, bảo đảm quyền được học tập và phát triển toàn diện của học sinh.
- Thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó khăn.
- Tạo điều kiện để các địa phương, các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.