Học sinh lớp 5 mấy tuổi? Nội dung và phương pháp đánh giá học sinh tiểu học vào năm 2024 là gì?

Học sinh lớp 5 mấy tuổi? Nội dung và phương pháp đánh giá học sinh tiểu học vào năm 2024 là gì? Chị P.M.N - TPHCM

Học sinh lớp 5 mấy tuổi?

Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT có nêu rõ như sau:

Tuổi của học sinh tiểu học
1. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm. Trẻ em khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài học tập, làm việc ở Việt Nam có thể vào học lớp một ở độ tuổi cao hơn so với quy định nhưng không quá 03 tuổi. Trường hợp trẻ em vào học lớp một vượt quá 03 tuổi so với quy định sẽ do trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quyết định.
2. Học sinh tiểu học học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục 2019 quy định như sau:

Cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông
1. Các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông được quy định như sau:
a) Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm;
b) Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm;
c) Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm.

Theo đó, trong trường hợp thông thường thì tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm, Vậy nên, trong trường hợp thông thường tuổi của học sinh lớp 5 là 10 tuổi.

Bảng thể hiện lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4, lớp 5 mấy tuổi vào năm 2024 trong điều kiện bình thường

LỚP HỌC

NĂM SINH

TUỔI VÀO NĂM 2024

Lớp 1

Năm 2018

6 tuổi

Lớp 2

Năm 2017

7 tuổi

Lớp 3

Năm 2016

8 tuổi

Lớp 4

Năm 2015

9 tuổi

Lớp 5

Năm 2014

10 tuổi

Học sinh lớp 5 mấy tuổi? Nội dung và phương pháp đánh giá học sinh tiểu học vào năm 2024 là gì?

Học sinh lớp 5 mấy tuổi? Nội dung và phương pháp đánh giá học sinh tiểu học vào năm 2024 là gì? (Hình từ Internet)

Lộ trình đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 27 ra sao?

Theo Điều 2 Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh tiểu học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo lộ trình như sau:

- Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

- Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2.

- Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3.

- Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4.

- Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5.

Nội dung đánh giá học sinh tiểu học năm 2024 là gì?

Theo khoản 1 Điều 5 Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT, nội dung đánh giá học sinh tiểu học gồm:

- Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

- Đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh thông qua những phẩm chất chủ yếu và những năng lực cốt lõi như sau:

+ Những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

+ Những năng lực cốt lõi:

++ Những năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo;

++ Những năng lực đặc thù: ngôn ngữ, tính toán, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất.

Có những phương pháp gì để đánh giá học sinh tiểu học?

Theo khoản 2 Điều 5 Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT, một số phương pháp đánh giá thường được sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh gồm:

- Phương pháp quan sát: Giáo viên theo dõi, lắng nghe học sinh trong quá trình giảng dạy trên lớp, sử dụng phiếu quan sát, bảng kiểm tra, nhật ký ghi chép lại các biểu hiện của học sinh để sử dụng làm minh chứng đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

- Phương pháp đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh: Giáo viên đưa ra các nhận xét, đánh giá về các sản phẩm, kết quả hoạt động của học sinh, từ đó đánh giá học sinh theo từng nội dung đánh giá có liên quan.

- Phương pháp vấn đáp: Giáo viên trao đổi với học sinh thông qua việc hỏi đáp để thu thập thông tin nhằm đưa ra những nhận xét, biện pháp giúp đỡ kịp thời.

- Phương pháp kiểm tra viết: Giáo viên sử dụng các bài kiểm tra gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo mức độ, yêu cầu cần đạt của chương trình, dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận để đánh giá mức đạt được về các nội dung giáo dục cần đánh giá.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Phan Thị Phương Hồng Lưu bài viết
7,470 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào