Hoa tiêu hàng hải là gì? Chế độ hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam được điều chỉnh thế nào trong quy định pháp luật?
Hoa tiêu hàng hải là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định địa vị pháp lý của hoa tiêu hàng hải, trong đó giải thích hoa tiêu hàng hải như sau:
Địa vị pháp lý của hoa tiêu hàng hải
Hoa tiêu hàng hải là người cố vấn cho thuyền trưởng điều khiển tàu phù hợp với điều kiện hàng hải ở khu vực dẫn tàu của hoa tiêu hàng hải. Việc sử dụng hoa tiêu hàng hải không miễn trách nhiệm chỉ huy tàu của thuyền trưởng.
Bên cạnh đó, Điều 248 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về tổ chức hoa tiêu hàng hải như sau:
Tổ chức hoa tiêu hàng hải
Tổ chức hoa tiêu hàng hải là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dẫn tàu thuyền đến, rời cảng biển, hoạt động trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam.
Theo quy định trên, hoa tiêu hàng hải có thể hiểu là người cố vấn, thuộc quyền chỉ huy của thuyền trưởng để điều khiển tàu phù hợp, khuyến cáo thuyền trưởng về các hành động không phù hợp với quy định bảo đảm an toàn hàng hải và quy định khác của pháp luật có liên quan, thông báo cho Cảng vụ hàng hải về tình hình dẫn tàu và những thay đổi có tính chất nguy hiểm về hàng hải mà mình phát hiện được trong khi dẫn tàu trong khu vực hoạt động của vùng hoa tiêu hàng hải.
Ngoài ra còn có tổ chức hoa tiêu hàng hải
Hoa tiêu hàng hải là gì? Chế độ hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam được điều chỉnh thế nào trong quy định pháp luật? (Hình từ Internet)
Chế độ hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam được quy định thế nào?
Căn cứ tại Điều 247 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định chế độ hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam như sau:
- Việc sử dụng hoa tiêu hàng hải tại Việt Nam nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường; góp phần bảo vệ chủ quyền, thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia.
- Tàu thuyền Việt Nam và tàu thuyền nước ngoài khi hoạt động trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam phải sử dụng hoa tiêu hàng hải Việt Nam dẫn tàu và trả chi phí dịch vụ hoa tiêu.
- Các trường hợp không bắt buộc phải sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải:
+ Vùng hoa tiêu hàng hải không bắt buộc;
+ Tàu thuyền Việt Nam chở hành khách, chở dầu, khí hóa lỏng, xô hóa chất dưới 1.000 GT; các loại tàu thuyền khác của Việt Nam dưới 2.000 GT;
+ Tàu thuyền nước ngoài dưới 100 GT;
+ Tàu thuyền có thuyền trưởng là công dân Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận chuyên môn hoa tiêu hàng hải, giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải phù hợp với loại tàu thuyền và vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc mà tàu thuyền hoạt động được phép tự dẫn tàu.
- Thuyền trưởng của tàu thuyền quy định tại khoản 3 Điều 247 Bộ luật Hàng hải Việt Năm 2015 có thể yêu cầu hoa tiêu dẫn tàu nếu thấy cần thiết.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải được thực hiện thế nào?
Căn cứ Điều 12 Thông tư 27/2016/TT- BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Thông tư 54/2023/TT-BGTVT quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải như sau:
- Hồ sơ cấp GCNKNCMHTHH bao gồm:
+ Công văn của tổ chức hoa tiêu hàng hải hoặc đơn vị quản lý thuyền trưởng theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 54/2023/TT-BGTVT;
+ Tờ khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 54/2023/TT-BGTVT;
+ 03 phiếu sát hạch khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải đối với hoa tiêu hàng hải hạng Ba, 02 phiếu sát hạch đối với hoa tiêu hàng hải hạng Nhì, hạng Nhất và Ngoại hạng, 01 phiếu sát hạch đối với thuyền trưởng tự dẫn tàu theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 27/2016/TT- BGTVT bị thay thế bởi khoản 19 Điều 1 Thông tư 54/2023/TT-BGTVT
+ 02 ảnh màu đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, 01 tệp (file) ảnh đối với trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cỡ 3cm x 4cm, nền trắng, chụp trong vòng 06 tháng gần nhất;
+ Bản gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính Giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định.
- Tổ chức, cá nhân nộp 01 (một) bộ hồ sơ trực tiếp tại Cục Hàng hải Việt Nam hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
- Cục Hàng hải Việt Nam nhận hồ sơ, kiểm tra thành phần, số lượng hồ sơ theo quy định, vào sổ và hẹn trả kết quả đúng quy định:
+ Trường hợp nộp trực tiếp, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì trả lại hồ sơ và hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện lại hồ sơ theo quy định;
+ Trong trường hợp nhận hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì Cục Hàng hải Việt Nam thông báo bằng văn bản chậm nhất 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ;
+ Chậm nhất 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản gửi Cảng vụ hàng hải khu vực yêu cầu xác nhận về lượt dẫn tàu.
Chậm nhất 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ hàng hải khu vực có văn bản xác nhận gửi Cục Hàng hải Việt Nam.
- Chậm nhất 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được xác nhận của Cảng vụ hàng hải khu vực, Cục Hàng hải Việt Nam cấp GCNKNCMHTHH theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 27/2016/TT- BGTVT.
Trường hợp không đủ điều kiện cấp GCNKNCMHTHH theo quy định, Cục Hàng hải Việt Nam phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- GCNKNCMHTHH được cấp 01 bản gốc cho hoa tiêu hàng hải hoặc thuyền trưởng.
Như vậy để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để nộp đến Cục Hàng hải Việt Nam và nhận kết quả theo đúng quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.