Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quy định như thế nào?

Hồ sơ đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam bao gồm những gì? - Câu hỏi của anh Thanh tại Long An.

Trình tự, thủ tục xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam?

Căn cứ Điều 8 Quyết định 30/2019/QĐ-TTg quy định trình tự, thủ tục xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam như sau:

- Việc xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được tổ chức định kỳ 02 năm một lần vào các năm chẵn.

- Doanh nghiệp nộp 03 bộ hồ sơ đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trước ngày 31 tháng 3 của năm xét chọn đến Bộ Công Thương theo một trong các cách thức sau:

+ Qua đường bưu điện;

+ Trực tiếp tại trụ sở Bộ Công Thương;

+ Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương.

- Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, cơ quan quản lý Chương trình có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp để bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp bổ sung hồ sơ đầy đủ trước ngày 01 tháng 5 của năm xét chọn.

- Trước ngày 30 tháng 9 của năm xét chọn, cơ quan quản lý Chương trình có trách nhiệm thông báo kết quả xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tới các doanh nghiệp.

- Kết quả xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam có hiệu lực 02 năm kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định công nhận danh sách sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

- Trước ngày 15 tháng 11 hàng năm, doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương về việc tuân thủ các quy chế và quy định của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam qua hộp thư điện tử hoặc bản giấy gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trụ sở của cơ quan quản lý nhà nước về xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương.

Hồ sơ đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam bao gồm những gì?

Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)

Hồ sơ đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam bao gồm những gì?

Căn cứ khoản 3 Điều 8 Quyết định 30/2019/QĐ-TTg quy định về hồ sơ đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam gồm các giấy tờ, tài liệu không cần chứng thực sau:

+ Đăng ký tham gia xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam theo Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này;

+ Bản sao Thông báo của cơ quan thuế về việc xác nhận doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế trong 2 năm liên tiếp trước năm xét chọn;

+ Bản sao Thông báo của cơ quan bảo hiểm xã hội về kết quả đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp trong 2 năm liên tiếp trước năm xét chọn;

+ Bản sao Thỏa ước lao động tập thể có hiệu lực đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về lao động;

+ Bản sao Báo cáo định kỳ kết quả quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật trong 2 năm liên tiếp trước năm xét chọn;

+ Bản sao Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của doanh nghiệp trong 2 năm liên tiếp trước năm xét chọn;

+ Bản sao văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm đăng ký xét chọn còn hiệu lực do cơ quan chức năng cấp;

+ Bản sao giấy tờ về chất lượng của sản phẩm đăng ký xét chọn còn hiệu lực theo quy định của pháp luật;

+ Bản sao giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 hoặc bản sao giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tương đương;

+ Bản sao giấy chứng nhận ISO 14001, ISO 22000, ISO 17025, SA 8000, OHSAS 18001, HACCP, GMP, VietGap, Global Gap và bản sao các biên bản đánh giá giám định định kỳ hoặc tương đương (nếu có);

+ Bản sao giấy chứng nhận các giải thưởng về chất lượng, uy tín thương hiệu (nếu có).

Kết quả xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam có thể bị hủy bỏ trong trường hợp nào?

Căn cứ Điều 10 Quyết định 30/2019/QĐ-TTg quy định hủy kết quả xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong các trường hợp sau:

- Gian lận, giả mạo giấy tờ, tài liệu trong quá trình xây dựng, nộp hồ sơ tham gia Chương trình.

- Gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, hình ảnh và Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong nước và nước ngoài.

- Lợi dụng hình ảnh và Thương hiệu quốc gia Việt Nam để trục lợi, vi phạm pháp luật.

- Vi phạm quy chế quy định tại Quy chế quản lý và sử dụng Biểu trưng Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

- Bị cơ quan chức năng xử lý hình sự, xử phạt hành chính có áp dụng hình thức tăng nặng.

- Giải thể, phá sản.

Các hình thức xử lý vi phạm quy chế quản lý và sử dụng biểu trưng Chương trình Thương hiệu Quốc gia là gì?

Căn cứ Điều 16 Quy chế Quản lý và sử dụng biểu trưng Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam kèm theo Quyết định 1331/QĐ-BCT năm 2008 quy định như sau:

Vi phạm và xử lý vi phạm
1. Trên cơ sở báo cáo đánh giá việc ứng dụng và sử dụng biểu trưng vi phạm các quy định tại quy chế này, Ban Thư ký Chương trình THQG đưa ra các phương án xử lý vi phạm tùy vào tính chất và mức độ vi phạm trong việc sử dụng;
2. Các hình thức xử lý vi phạm có thể áp dụng bao gồm:
a. Nhắc nhở: Khi phát hiện bất kỳ đơn vị/cá nhân nào vi phạm một trong các quy định của Quy chế này trong quá trình quản lý sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG, Ban Thư ký Chương trình THQG sẽ tiến hành nhắc nhở bằng văn bản gửi đơn vị/cá nhân có hành vi vi phạm. Khi nhận được văn bản nhắc nhở, đơn vị/cá nhân vi phạm có trách nhiệm sửa chữa và khắc phục ngay trong thời gian do Ban Thư ký Chương trình THQG quy định. Sau khi hoàn tất việc sửa chữa, khắc phục, đơn vị/cá nhân có trách nhiệm báo cáo Ban Thư ký Chương trình THQG bằng văn bản về việc sửa chữa, khắc phục;
b. Đối với những trường hợp, Ban Thư ký Chương trình THQG đã có văn bản nhắc nhở đến lần thứ ba nhưng đơn vị/cá nhân không khắc phục hoặc tái diễn vi phạm nhiều lần làm ảnh hưởng tới uy tín của Chương trình, Ban Thư ký Chương trình THQG sẽ áp dụng một trong các biện pháp sau để xử lý vi phạm:
- Đình chỉ việc được quyền sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG;
- Chấm dứt việc được quyền sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG với đơn vị/cá nhân vi phạm và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc chấm dứt này. Kể từ thời điểm có quyết định hoặc thông báo chấm dứt việc sử dụng, đơn vị/cá nhân vi phạm không được phép sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG;
- Ban Thư ký Chương trình THQG có quyền yêu cầu đơn vị/cá nhân hủy bỏ toàn bộ những sản phẩm có sử dụng Biểu trưng Chương trình THQG nhưng không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng theo quy định pháp luật.

Theo đó, khi vi phạm quy chế quản lý và sử dụng biểu trưng Chương trình Thương hiệu Quốc gia, chủ thể thực hiện có thể bị nhắc nhở, đình chỉ, chấm dứt việc sử dụng biểu trưng chương trình thương hiệu quốc gia hoặc bị yêu cầu hủy bỏ toàn bộ những sản phẩm có sử dụng Biểu trưng.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

5,425 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào