Hồ sơ, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế được quy định như thế nào?
Điều kiện để được thực hiện thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế là gì?
Căn cứ Quyết định 99/QĐ-NHNN năm 2023 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hoạt động ngoại hối thực hiện tại Bộ phận Một cửa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 18/01/2023.
Theo Mục 2 Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 99/QĐ-NHNN năm 2023, điều kiện để được thực hiện thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế được xác định như sau:
- Có hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, an toàn, bảo mật đối với hoạt động ngoại hối như:
+ Hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động ngoại hối, các thiết bị lưu trữ thông tin, dữ liệu;
+ Phương án dự phòng thảm họa; các phần mềm hỗ trợ việc thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến ngoại hối.
- Có quy định nội bộ về quản lý rủi ro liên quan đến các hoạt động ngoại hối đề nghị thực hiện.
- Có quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn tổ chức đối tác và xác định hạn mức giao dịch đối với đối tác nước ngoài;
+ Trong đó đối tác nước ngoài mà tổ chức tín dụng được phép có giao dịch tiền gửi (không phải tiền gửi thanh toán) phải là các tổ chức tài chính nước ngoài có hệ số xếp hạng tín nhiệm từ mức Baa3/P-3 theo đánh giá xếp hạng của Moody’s Investor Service trở lên hoặc từ mức BBB-/A-3 theo đánh giá xếp hạng của Standard & Poor’s trở lên hoặc từ mức BBB-/F3 theo đánh giá xếp hạng của Fitch Ratings trở lên.
+ Điều kiện này không áp dụng đối với trường hợp ngân hàng thương mại gửi tiền (không phải tiền gửi thanh toán) tại chi nhánh, công ty con của ngân hàng thương mại đó ở nước ngoài. Tổng số dư tiền gửi của ngân hàng thương mại tại tất cả các chi nhánh, công ty con của ngân hàng thương mại đó ở nước ngoài không vượt quá 10% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại đó.
- Hoạt động kinh doanh của công ty tài chính có lãi trong 01 (một) năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối theo báo cáo tài chính được kiểm toán (đối với công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng).
Hồ sơ, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế mới nhất hiện nay gồm những gì? (Hình từ Internet)
Hồ sơ chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế mới nhất hiện nay gồm những gì?
Hồ sơ chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế mới nhất hiện nay được thực hiện theo quy định tại Mục 2 Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 99/QĐ-NHNN năm 2023.
Cụ thể, bao gồm:
- Đơn đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối (Phụ lục số 01 Thông tư 23/2022/TT-NHNN (Tại đây));
- Quy định nội bộ về quản lý rủi ro liên quan đến hoạt động ngoại hối, trong đó tối thiểu bao gồm các nội dung: nhận dạng các loại rủi ro, phương án quản lý rủi ro này;
- Báo cáo mô tả hệ thống công nghệ thông tin, các giải pháp kỹ thuật áp dụng và quy trình xử lý các hoạt động ngoại hối trong hệ thống công nghệ thông tin theo các nội dung quy định tại Phụ lục 3 Thông tư 28/2016/TT-NHNN;
- Quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn tổ chức đối tác, hạn mức giao dịch đối với các đối tác, trong đó phải bao gồm quy định về rà soát, đánh giá lại đối tác theo định kỳ và khi có sự kiện đột xuất ảnh hưởng tới xếp hạng tín dụng của các đối tác.
- Bản sao báo cáo tài chính đã được kiểm toán 01 (một) năm liền kề năm đề nghị chấp thuận hoạt động ngoại hối (đối với công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng).
Thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Mục 2 Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 99/QĐ-NHNN năm 2023, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế được thực hiện như sau:
- Bước 1: Khi có nhu cầu thực hiện hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nộp hồ sơ cho:
(a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (áp dụng đối với Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng);
(b) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức đặt trụ sở (áp dụng đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thuộc đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng);
- Bước 2: Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam/Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bổ sung hồ sơ.
- Bước 3: Trong thời hạn 40 (bốn mươi) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam/Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường quốc tế (có nêu rõ lý do).
Xem chi tiết tại Quyết định 99/QĐ-NHNN năm 2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.