Hồ sơ hải quan bao gồm những giấy tờ gì? Thủ tục hải quan có thể thực hiện thông qua phương thức trực tuyến hay không?
Hồ sơ hải quan bao gồm những giấy tờ gì?
Căn cứ vào Điều 24 Luật Hải quan 2014 quy định như sau:
Hồ sơ hải quan
1. Hồ sơ hải quan gồm:
a) Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan;
b) Chứng từ có liên quan.
Tùy từng trường hợp, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Chứng từ thuộc hồ sơ hải quan là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử. Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính toàn vẹn và khuôn dạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
3. Hồ sơ hải quan được nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan tại trụ sở cơ quan hải quan.
Trường hợp áp dụng cơ chế một cửa quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành gửi giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra, miễn kiểm tra chuyên ngành dưới dạng điện tử thông qua hệ thống thông tin tích hợp.
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mẫu tờ khai hải quan, việc sử dụng tờ khai hải quan và chứng từ thay thế tờ khai hải quan, các trường hợp phải nộp, xuất trình chứng từ có liên quan quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo như quy định trên thì hồ sơ hải quan sẽ gồm có các thành phần như sau:
- Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan;
- Chứng từ có liên quan.
Hồ sơ hải quan bao gồm những giấy tờ gì? Thủ tục hải quan có thể thực hiện thông qua phương thức trực tuyến hay không?
Thủ tục hải quan có thể thực hiện thông qua phương thức trực tuyến hay không?
Căn cư vào Điều 7 Nghị định 08/2015/NĐ-CP một số quy định được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia
1. Người khai hải quan khai thông tin, nộp chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Thời điểm khai thông tin, nộp chứng từ điện tử thực hiện theo quy định của Luật hải quan, pháp luật quản lý chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn.
2. Các cơ quan nhà nước tiếp nhận và xử lý thông tin của người khai hải quan; phản hồi kết quả xử lý cho người khai hải quan; trao đổi thông tin khai thủ tục hành chính và kết quả xử lý thông tin khai thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước với nhau thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
3. Người khai hải quan tiếp nhận kết quả xử lý từ các cơ quan nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Người khai hải quan không phải nộp, xuất trình chứng từ giấy đối với các chứng từ đã được tiếp nhận, xử lý thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, trừ các chứng từ phải nộp bản giấy theo quy định của pháp luật.
4. Cơ quan hải quan căn cứ kết quả xử lý của các cơ quan nhà nước để ra quyết định cuối cùng về thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phản hồi kết quả cho người khai hải quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Theo đó, người khai hải quan có thể khai thông tin, nộp chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan thông qua Cổng thông tin một của quốc gia.
Các cơ quan tiếp nhận và xử lý thông tin của người khai hải quan đồng thời phản hồi kết quả xử lý cho người khai hải quan thông qua cổng thông tin một cửa quốc gia.
Đối tượng nào phải làm thủ tục hải quan?
Căn cứ vào Điều 6 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan
1. Đối tượng phải làm thủ tục hải quan:
a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý, sản phẩm văn hóa, di vật, cổ vật, bảo vật, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; các vật phẩm khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan;
b) Phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
2. Đối tượng chịu sự kiểm tra hải quan:
a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;
c) Hồ sơ hải quan và các chứng từ liên quan đến đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Đối tượng chịu sự giám sát hải quan:
a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;
c) Hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan; hàng hóa là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đang lưu giữ tại các cơ sở sản xuất của tổ chức, cá nhân;
d) Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được đưa về bảo quản chờ thông quan;
đ) Hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.
Như vậy, những đối tượng phải làm thủ tục hải quan sẽ là:
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý, sản phẩm văn hóa, di vật, cổ vật, bảo vật, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; các vật phẩm khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan;
- Phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.