Hồ sơ đề nghị xét khen thưởng danh hiệu Cờ thi đua của Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho cá nhân, tập thể thuộc Tòa án gồm những tài liệu gì?
- Hồ sơ đề nghị xét khen thưởng danh hiệu Cờ thi đua của Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc gồm những tài liệu gì?
- Thủ tục xét khen thưởng danh hiệu Cờ thi đua của Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc thực hiện thế nào?
- Hạn chót gửi hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen trong Tòa án nhân dân là khi nào?
Hồ sơ đề nghị xét khen thưởng danh hiệu Cờ thi đua của Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc gồm những tài liệu gì?
Căn cứ tại Điều 30 Thông tư 01/2024/TT-TANDTC quy định hồ sơ đề nghị xét khen thưởng danh hiệu Cờ thi đua của Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc của cá nhân, tập thể gồm những tài liệu sau:
- Tờ trình của thủ trưởng cơ quan, đơn vị kèm theo danh sách cá nhân, tập thể được đề nghị xét khen thưởng, ý kiến của (cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan) theo Mẫu ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng 2022;
- Biên bản họp “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc Biên bản “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” đối với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và Biên bản kiểm phiếu;
- Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể đề nghị xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo Mẫu ban hành kèm theo các văn bản hướng dẫn hiện hành của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao và được cấp có thẩm quyền xác nhận (05 bản chính: 01 bản lưu tại cơ quan, đơn vị; 04 bản gửi Tòa án nhân dân tối cao);
Báo cáo thành tích của cá nhân đề nghị xét khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” phải nêu rõ nội dung đề tài, sáng kiến trong công tác và quản lý đem lại hiệu quả thiết thực, phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc, kèm theo ý kiến xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý theo đề nghị của Hội đồng Khoa học - Sáng kiến cơ sở (trường hợp đề tài, sáng kiến đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thì gửi kèm bản sao giấy chứng nhận thay cho ý kiến xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị);
- Tờ trình kèm theo Biên bản Hội nghị tổng kết và Biên bản kiểm phiếu tín nhiệm của cụm thi đua đối với trường hợp đề nghị khen thưởng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”;
- Các file điện tử của hồ sơ đề nghị xét tặng (ở định dạng: .doc đối với tờ trình, báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể đề nghị xét khen thưởng, ở định dạng: .Excel đối với danh sách và .pdf đối với các hồ sơ khác có liên quan) gửi đến hộp thư điện tử của Tòa án nhân dân tối cao (qua Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân).
Như vậy, cá nhân, tổ chức đề nghị xét khen thưởng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” và hình thức khen thưởng cấp Nhà nước khác cần nộp hồ sơ gồm những tài liệu trên.
Hồ sơ đề nghị xét khen thưởng danh hiệu Cờ thi đua của Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho cá nhân, tập thể thuộc Tòa án gồm những tài liệu gì? (Hình từ Internet)
Thủ tục xét khen thưởng danh hiệu Cờ thi đua của Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc thực hiện thế nào?
Căn cứ tại Điều 29 Thông tư 01/2024/TT-TANDTC quy định thủ tục xét khen thưởng danh hiệu Cờ thi đua của Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc như sau:
Bước 1: Những trường hợp đề nghị xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phải làm báo cáo thành tích để trình bày tại cuộc họp bình xét thi đua, khen thưởng của tập thể nhỏ hoặc của Tòa án nhân dân cấp huyện (đối với trường hợp thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện).
- Sau khi xem xét, đánh giá thành tích, tiến hành bỏ phiếu lựa chọn cá nhân, tập thể đạt các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo trình tự từ thấp lên cao.
- Người đứng đầu tập thể nhỏ, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện lập hồ sơ những trường hợp đủ tiêu chuẩn, điều kiện đề nghị xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trình “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” (đối với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao không có con dấu, tài khoản riêng) để xem xét.
- Thành phần “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” gồm: Tập thể lãnh đạo đơn vị; đại diện lãnh đạo: cấp ủy, công đoàn, đoàn thanh niên, tập thể nhỏ thuộc đơn vị (nếu có); đối với những đơn vị có lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sinh hoạt cùng thì mời tham dự để chỉ đạo.
- Đối với cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý từ 90% trở lên tính trên tổng số công chức, viên chức, người lao động trong tập thể nhỏ hoặc trong Tòa án nhân dân cấp huyện; đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý từ 80% trở lên tính trên tổng số công chức, viên chức, người lao động trong tập thể nhỏ hoặc trong Tòa án nhân dân cấp huyện (nếu có cá nhân vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản và được thể hiện trong Biên bản họp bình xét danh hiệu thi đua, Biên bản xét khen thưởng).
Bước 2: Tổ chức phiên họp của “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” để xem xét những trường hợp đề nghị khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khi có mặt ít nhất 2/3 tổng số thành viên.
Đối với cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý của “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” từ 90% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng hoặc Hội nghị; đối với danh hiệu “Cờ thi đua Tòa án nhân dân” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý của “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị” từ 80% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng hoặc Hội nghị (nếu có thành viên vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản và được thể hiện trong Biên bản họp bình xét danh hiệu thi đua, Biên bản xét khen thưởng).
Bước 3: Căn cứ đề nghị của “Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở” hoặc “Hội nghị thi đua, khen thưởng của đơn vị”; thủ trưởng cơ quan, đơn vị Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Bước 4: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân tổ chức phiên họp để xem xét những trường hợp đề nghị khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định hoặc đề nghị. Tổ chức phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân khi có mặt ít nhất 2/3 tổng số thành viên.
Đối với cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân từ 90% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng; đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Cờ thi đua Tòa án nhân dân, “Cờ thi đua của Chính phủ” phải có tỷ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp trình khen thưởng từ 80% trở lên tính trên tổng số thành viên của Hội đồng (nếu có thành viên vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản và được thể hiện trong Biên bản họp bình xét danh hiệu thi đua, Biên bản xét khen thưởng).
Bước 5: Căn cứ đề nghị của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Lưu ý:
- Mỗi vòng bỏ phiếu lựa chọn đề nghị khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng chỉ được tiến hành không quá 02 lần bỏ phiếu. Nếu sau 02 lần bỏ phiếu mà chưa lựa chọn được, thì việc xét khen thưởng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng do Người có thẩm quyền quy định tại Điều 26 Thông tư 01/2024/TT-TANDTC hoặc Trưởng cụm và Phó Trưởng cụm thi đua quyết định (đối với Cờ thi đua).
Trong trường hợp này, cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật hơn sẽ được ưu tiên xem xét, đề nghị khen thưởng.
- Đối với cá nhân được điều động, biệt phái đến cơ quan, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì cơ quan, đơn vị điều động, biệt phái xét khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trên cơ sở ý kiến nhận xét của cơ quan, đơn vị tiếp nhận cá nhân được điều động, biệt phái.
- Đối với cá nhân chuyển công tác thì cơ quan, đơn vị mới có trách nhiệm xét khen thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng (trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan, đơn vị cũ từ 06 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan, đơn vị cũ).
Hạn chót gửi hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen trong Tòa án nhân dân là khi nào?
Theo Điều 28 Thông tư 01/2024/TT-TANDTC quy định nội dung như sau:
Thời gian bình xét thi đua, đề nghị khen thưởng và báo cáo số liệu phục vụ công tác thi đua, khen thưởng
...
2. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng vào dịp tổng kết công tác năm, gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân trước ngày 30 tháng 10 hàng năm.
3. Hồ sơ đề nghị xét tặng các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân trước ngày 15 tháng 3 hàng năm, trừ những trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất.
4. Hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân từ ngày 01 tháng 10 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 trước năm tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, trừ những trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất.
...
Như vậy, hạn chót gửi hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen trong Tòa án nhân dân như sau:
- Trước ngày 30 tháng 10 hàng năm đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng vào dịp tổng kết công tác năm
- Trước ngày 15 tháng 3 hàng năm đối với các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước, trừ những trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất.
- Ngày 31 tháng 12 trước năm tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc đối với danh hiệu “Anh hùng Lao động”, trừ những trường hợp có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất.
Thông tư 01/2024/TT-TANDTC có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 6 năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.