Hình thức thanh tra thường xuyên không còn được áp dụng? Từ ngày 01/07/2023, hoạt động thanh tra sẽ thực hiện theo các hình thức nào?
Các hình thức thanh tra từ 01/07/2023 ra sao?
Căn cứ theo Điều 37 Luật Thanh tra 2010 hiện hành, các hình thức thanh tra được quy định như sau:
Hình thức thanh tra
1. Hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên hoặc thanh tra đột xuất.
2. Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch đã được phê duyệt.
3. Thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
4. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
Theo đó, tại Điều 46 Luật Thanh tra 2022 quy định các hình thức thanh tra bao gồm:
Hình thức thanh tra
1. Hoạt động thanh tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất.
2. Thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch thanh tra đã được ban hành.
3. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
Dựa vào các nội dung trên thì Luật Thanh tra 2022 mới nhất đã loại bỏ hình thức thanh tra thường xuyên khỏi hệ thống thanh tra.
Theo đó, hai hình thức thanh tra còn lại từ ngày 01/07/2023 là Thanh tra theo kế hoạch và Thanh tra đột xuất. Việc làm này có ý nghĩa hạn chế tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra đối với đối tượng thanh tra và các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.
Từ ngày 01/07/2023, hình thức thanh tra thường xuyên không còn được áp dụng? Hoạt động thanh tra sẽ thực hiện theo các hình thức nào? (Hình từ Internet)
Hoạt động thanh tra được thực hiện dựa trên những căn cứ nào?
Theo Luật Thanh tra 2022, có 05 căn cứ để thực hiện hoạt động thanh tra. Cụ thể, tại Điều 51 Luật Thanh tra 2022 quy định như sau:
Căn cứ ra quyết định thanh tra
Việc ra quyết định thanh tra phải có một trong các căn cứ sau đây:
1. Kế hoạch thanh tra;
2. Yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước;
3. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
4. Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
5. Căn cứ khác có liên quan theo quy định của luật.
Như vậy, việc ra quyết định thanh tra được thực hiện dựa trên những căn cứ nêu trên. Khi có các căn cứ thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra sẽ ban hành quyết định thanh tra và gửi đến các đối tượng thanh tra trước khi tiến hành thanh tra trực tiếp.
Thời gian thực hiện thanh tra là bao lâu?
Thời hạn thanh tra được xác định theo Điều 47 Luật Thanh tra 2022 như sau:
- Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành:
+ Không quá 60 ngày;
+ Không quá 90 ngày đối với trường hợp phức tạp;
+ Không quá 120 ngày đối với trường hợp đặc biệt phức tạp;
- Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh tiến hành:
+ Không quá 45 ngày;
+ Không quá 75 ngày đối với trường hợp phức tạp;
- Cuộc thanh tra do Thanh tra sở, Thanh tra huyện tiến hành:
- Không quá 30 ngày;
- Không quá 45 ngày đối với trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Thanh tra 2022 và khoản 2 Điều 48 Luật Thanh tra 2022, việc gia hạn thời gian thanh tra khi xét thấy phức tạp hoặc đặc biệt phức tạp sẽ dựa vào các trường hợp sau:
- Đối với các trường hợp phức tạp:
+ Phải thực hiện trưng cầu giám định hoặc phái xác minh, làm rõ vụ việc có yếu tố nước ngoài thuộc nội dung, phạm vi tiến hành thanh tra;
+ Cần xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
+ Khi đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không hợp tác, cản trở, chống đối, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra làm ảnh hưởng đến thời hạn thanh tra.
- Đối với các trường hợp đặc biệt phức tạp:
+ Cuộc thanh tra phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương;
+ Có ít nhất 02 trong 03 yếu tố sau:
+ Phải thực hiện trưng cầu giám định hoặc phái xác minh, làm rõ vụ việc có yếu tố nước ngoài thuộc nội dung, phạm vi tiến hành thanh tra;
+ Cần xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;
+ Khi đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không hợp tác, cản trở, chống đối, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra làm ảnh hưởng đến thời hạn thanh tra.
Như vậy, thời hạn tiến hành một cuộc thanh tra sẽ không quá 120 ngày tùy theo từng trường hợp nêu trên.
Từ ngày 01/07/2023, Luật Thanh tra 2022 sẽ chính thức có hiệu lực.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.