Hành vi 'phe vé': Mua vé bóng đá rồi bán lại với giá cao bị xử lý như thế nào theo quy định hiện hành?

Hiện tại đang xuất hiện thông tin một cặp vé xem trận chung kết bóng đá nam Seagame 31 giữa U23 Việt Nam và U23 Thái Lan đã có giá lên đến 45 triệu đồng. Trước thông tin này, không ít người đã cảm thấy bức xúc về hành vi "phe vé" hiện nay. Cho tôi hỏi, hành vi này sẽ được xử lý thế nào theo quy định pháp luật hiện hành?

Hành vi “phe vé” được hiểu như thế nào?

Hiện tại, hệ thống pháp luật Việt Nam không có định nghĩa, khái niệm về hành vi “phe vé”. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng “phe vé” là hành vi mua vé rồi bán lại với giá “cắt cổ” cho những người thực sự đang cần. Hành vi này thường xuất hiện trong các sự kiện lớn và nhận được sự quan tâm từ đông đảo người dân như các trận thi đấu bóng đá.

Từ lâu nay, hành vi “phe vé” không còn lạ lẫm với người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam. Được mệnh danh là môn “thể thao Vua” nên bóng đá chính là “công cụ” để các tay “phe vé” hành nghề bởi lợi dụng niềm đam mê, khát khao của đông đảo người hâm mộ. Seagame 31 được tổ chức tại Việt Nam là một sự kiện nhận được sự quan tấm rất lớn của người dân trong nước và bạn bè khu vực trong năm 2022 này. Vào đêm mai, đội tuyển U23 Việt Nam sẽ có trận đấu Chung kết được dự đoán là không mấy dễ dàng trước “đối thủ truyền kiếp” U23 Thái Lan. Hiện tại, vé xem trận thi đấu Chung kết bóng đá nam Seagame 31 đã “cháy hàng”. Theo những cập nhật mới nhất thì giá vé tại thị trường “chợ đen” do các tay “phe vé” rao bán đang có mức giá khoảng 45 triệu đồng cho một cặp vé.

Như vậy hành vi “phe vé” này có thể hiểu được như một dạng đầu cơ. Các tay “cò” sẽ mua một lượng vé nhất định rồi chờ đến khi hết vé, họ sẽ mang vé đã mua được ra bán với giá cao gấp nhiều lần.

Hành vi 'phe vé' bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật hiện nay?

Hành vi 'phe vé': Mua vé bóng đá rồi bán lại với giá cao bị xử lý như thế nào theo quy định hiện hành?

Hành vi “phe vé” có được xem là vi phạm pháp luật hay không?

Như đã nói ở trên, hiện tại trong các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam không có bất kỳ định nghĩa nào về hành vi “phe vé”. Do đó, người dân đươc làm những gì mà pháp luật không cấm nên hành vi “phe vé” vẫn chưa có quy định nào xử phạt vì những tay “phe vé” cũng chỉ là mua vé xem bóng đá thông thường. Hành vi “phe vé” này đã mang lại không ít sự bất mãn của người hâm mộ khi người thì có quá nhiều vé để “bán lại”, người thực sự cần thì lại không thể mua vé với giá gốc được.

Chính vì thế, ban tổ chức các sự kiện có thể áp dụng những hình thức như kèm những điều khoản bắt buộc vào vé. Chẳng hạn như kèm điều khoản trường hợp mua vé mà bán lại giá cao thì sẽ bị truy thu lại vé, rồi thành lập những đội tuần tra trước cổng các sự kiện để giám sát những trường hợp vi phạm để truy thu vé.

Hành vi “phe vé” gây mất trật tự thì có bị xử lý hay không?

Tuy pháp luật Việt Nam hiện tại không có chế tài nào xử lý hành vi “phe vé” nhưng việc các tay “cò” chèo kéo khách hàng gây mất trật tự nơi công cộng, cản trở giao thông thì sẽ bị xử phạt.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 7. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 5 Điều này;
b) Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng;
c) Để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị;
d) Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
đ) Vứt rác hoặc bỏ bất cứ vật gì khác lên tường rào và khu vực liền kề với mục tiêu bảo vệ;
e) Chăn, thả gia súc, gia cầm trong chung cư.”

Theo đó, nếu như hành vi “phe vé” như chèo kéo, chửi bới nhau gây mất trật tự nơi cộng cộng sẽ bị xử lý hành chính từ 300.000 đồng đến 500.000

Ngoài ra, người thực hiện hành vi “phe vé” có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

“Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.”

Trường hợp, các tay “cò” dùng vé giả để bán cho người hâm mộ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tổng số tiền thu lợi bất chính từ 2.000.000 đồng trở lên theo quy định Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (điểm d khoản 1, điểm g khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4 Điều này được bãi bỏ bởi điểm a, điểm c khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
…..
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Theo đó, hành vi gây rối trật tự khi hoạt động “phe vé” nhẹ thì bị xử lý hành chính, nặng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi bán vé giả có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

4,495 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào