Hành nghề luật sư bất hợp pháp bị xử lý thế nào? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Hành nghề luật sư bất hợp pháp bị xử lý thế nào? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Căn cứ quy định tại Điều 92 Luật Luật sư 2006 như sau:
Xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư bất hợp pháp
1. Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà hành nghề luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì bị buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì hành nghề luật sư bất hợp pháp được hiểu là việc cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề luật sư mà vẫn hành nghề dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo đó, cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư bất hợp pháp bị buộc phải chấm dứt việc hành nghề, bị xử lý theo quy định pháp luật và bồi thường nếu gây thiệt hại.
Riêng đối với cá nhân, người thực hiện hành nghề luật sư bất hợp pháp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Hành nghề luật sư bất hợp pháp bị xử lý thế nào? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? (Hình từ Internet)
Hành nghề luật sư khi không đủ điều kiện hành nghề bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ quy định tại Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về việc xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư như sau:
Hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư
...
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
...
đ) Hành nghề luật sư tại Việt Nam trong trường hợp không đủ điều kiện hành nghề; chưa được cấp giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam hoặc vẫn hành nghề khi đã bị tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam;
....
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
...
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 3, các điểm b và c khoản 4, khoản 5, các điểm a, b, d và đ khoản 6, các điểm d và e khoản 7 Điều này.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì hành vi hành nghề luật sư tại Việt Nam trong trường hợp không đủ điều kiện hành nghề bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng tùy theo tính chất mức độ vi phạm.
Theo đó, mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân hành vi hành nghề luật sư khi không đủ điều kiện hành nghề còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Quyền và nghĩa vụ của luật sư được quy định như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012, quyền và nghĩa vụ của luật sư được xác định như sau:
(1) Quyền
- Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề luật sư theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan;
- Đại diện cho khách hàng theo quy định của pháp luật;
- Hành nghề luật sư, lựa chọn hình thức hành nghề luật sư và hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật này;
- Hành nghề luật sư trên toàn lãnh thổ Việt Nam;
- Hành nghề luật sư ở nước ngoài;
- Các quyền khác theo quy định của Luật này.
(2) Nghĩa vụ
- Tuân theo các nguyên tắc hành nghề luật sư sau:
+ Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
+ Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
+ Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.
+ Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.
+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.
- Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề;
- Tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu;
- Thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Luật sư.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.