Hà Nội tăng giá nước sạch theo 02 giai đoạn từ 01/7/2023 đến 31/12/2023 và từ 01/01/2024 đến 31/12/2024?
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Hà Minh Hải vừa ký, ban hành Quyết định Quyết định 3541/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thành phố.
TẢI VỀ Quyết định 3541/QĐ-UBND năm 2023
Tình hình giá nước sạch tại Hà Nội thời gian qua ra sao?
Trước đó, tại cuộc họp báo định kỳ của UBND TP Hà Nội hôm 30/6 có đề cập đến nội dung 10 năm qua thành phố không tăng giá nước sạch. Năm 2019, thành phố lên kế hoạch tăng nhưng chưa thực hiện để đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trong khi đó chi phí cấu thành giá nước đã biến động. Do chính sách hạn chế nước ngầm của nhà nước, thành phố phải kêu gọi đầu tư nhà máy nước mặt, có giá sản xuất cao hơn nước ngầm. Việc nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cũng đòi hỏi phải có các nguồn lực để đầu tư. Vì thế, năm 2022, trong xu thế bắt buộc điều chỉnh giá nước, các đơn vị đã nghiên cứu thận trọng.
Phương án giá đã tính đến chi phí hỗ trợ hộ cận nghèo, nhóm an sinh xã hội và so sánh mức dùng dưới 10 m3 thì chi phí giá nước sạch của Hà Nội đang thấp hơn một số tỉnh thành. Cụ thể, tiền nước phải chi trả 10 m3 đầu tiên của người dân Hà Nội là 75.000 đồng/hộ, Bình Dương 101.500 đồng/hộ, Quảng Ninh là 81.000 đồng/hộ; Điện Biên 80.000 đồng/hộ.
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến hết năm 2022, tổng công suất cấp nước của các nhà máy nước tập trung trên địa bàn đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm. Trong đó, sản xuất nước ngầm 770.000 m3/ngày đêm và sản xuất nước mặt 750.000 m3/ngày đêm. Mạng cấp nước nông thôn có công suất thiết kế của từng trạm 300-1.000 m3/ngày đêm. Tỷ lệ thất thoát nước sạch trung bình toàn thành phố giảm từ 24% xuống dưới 18%.
Hà Nội tăng giá nước sạch theo 02 giai đoạn từ 1/7 đến 31/12/2023 và từ 1/1/2024 đến 31/12/2024? (Hình internet)
Hà Nội tăng giá nước sạch theo 02 giai đoạn từ 1/7 đến 31/12/2023 và từ 1/1/2024 đến 31/12/2024?
Từ ngày 01/7/2023, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10 m3 đầu tiên tăng từ 5.973 lên 7.500 đồng và năm 2024 lên 8.500 đồng/m3 một hộ gia đình mỗi tháng.
Theo quyết định vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, việc tăng giá nước sạch được chia làm hai giai đoạn, từ 1/7 đến 31/12/2023 và từ 1/1/2024 đến 31/12/2024. Giá nước sau 10 m3 đầu tiên sẽ tăng lũy tiến.
Lộ trình tăng giá nước sạch tại Hà Nội
Theo Quyết định, giá bán lẻ nước sinh hoạt được tính như sau:
- Đối với hộ cư dân, từ nay đến cuối năm 2023, giá nước sạch thấp nhất là 7.500 đồng/m3, áp dụng với hộ tiêu thụ đến 10m3/đồng hồ/tháng; và cao nhất là 24.000 đồng/đồng hồ/m2, áp dụng với khách hàng sử dụng trên 30m3/đồng hồ/tháng.
- Sang năm 2024, mức giá tương ứng với từng nhóm khách hàng là 8.500 đồng/m3 và cao nhất là 27.000 đồng/3. Hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo tiêu dùng dưới 10m3/đồng hồ/tháng sẽ được trợ giá ở mức 5.973 đồng/m3, áp dụng từ nay đến hết năm 2024.
- Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, phục vụ mục đích công cộng, các tháng cuối năm nay giá nước sạch là 12.000 đồng/m3 và sang năm tới tăng lên mức 13.500 đồng/m3.
- Đối với hoạt động sản xuất vật chất, giá mới trong năm nay là 15.000 đồng/m3 và tăng thêm 1.000 đồng/m3 vào năm 2024. Tương tự, hộ kinh doanh dịch vụ sẽ phải mua nước sạch với giá 27.000 đồng/m3 trong các tháng còn lại của năm 2023 và phải trả 29.000 đồng/m3 trong năm tới.
Giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt nêu trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.
Giá nước sạch tại Hà Nội 2024?
Tại Quyết định cũng cho biết đến năm 2024, thành phố sẽ tiếp tục tăng giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt, trong đó nhóm kinh doanh dịch vụ chịu mức giá bán lẻ 29.000 đồng/m3. Riêng các hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn sẽ chịu mức tiền thấp nhất giống năm 2023 là 5.973 đồng/m3 nếu sử dụng dưới 10 m3/tháng.
Về việc tăng giá nước sạch, theo Sở Tài chính Hà Nội, những năm gần đây, thành phố đang chuyển dần từ khai thác nước ngầm sang khai thác nguồn nước mặt để sản xuất nước sạch.
Tuy nhiên, 10 năm qua, giá nước sạch chưa tăng khiến quá trình thu hút nguồn lực xã hội hóa vào lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn…
Theo đó, hầu hết các nhà máy nước ngầm của thành phố đều được xây dựng từ lâu, đã hết hoặc gần hết khấu hao. Các nhà máy này đang phải giảm dần sản lượng theo quy hoạch.
Đối với các nhà máy nước mặt đang vận hành, do được đầu tư theo công nghệ mới, chi phí khấu hao, chi phí tài chính còn cao nên với giá nước không được điều chỉnh thì nhà đầu tư gặp khó khăn trong thanh toán các chi phí khai thác, vận hành; đồng thời, gặp khó khăn khi đàm phán huy động vốn để mở rộng, nâng công suất.
Tổ chức thực hiện phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội như thế nào?
Tại Quyết định cũng đã yêu cầu Sở Tài chính Hà Nội chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, số liệu và kết quả tính toán trong phương án giá theo quy định; chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn về đối tượng sử dụng nước đảm bảo theo đúng quy định.
Theo đó, Thành phố giao các Sở: Tài chính, Cục Thuế thành phố và các sở ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt theo quy định.
Trong đó, đối với Sở Y tế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch theo quy định tại Thông tư 41/2018/TT-BYT và Thông tư 26/2021/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt và pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Các đơn vị cấp nước có trách nhiệm triển khai kế hoạch và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp nước sạch sinh hoạt đảm bảo chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.