Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phải có nội dung nào? Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm ra sao?
Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phải có nội dung nào?
Căn cứ quy định tại Điều 27 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, Gấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây:
- Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
- Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Tên cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy.
- Địa điểm của đối tượng bảo hiểm.
- Tài sản được bảo hiểm.
- Số tiền bảo hiểm.
- Mức khấu trừ bảo hiểm.
- Thời hạn bảo hiểm.
- Tỷ lệ phí bảo hiểm, phí bảo hiểm.
- Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp bảo hiểm và định danh sản phẩm bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.
Trường hợp cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung nêu trên.
Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phải có nội dung nào? Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm ra sao? (Hình từ Internet)
Đối tượng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là gì?
Căn cứ Điều 23 Nghị định 67/2023/NĐ-CP có quy định về đối tượng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc như sau:
Đối tượng bảo hiểm
1. Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm:
a) Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.
b) Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).
2. Đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì đối tượng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ.
Cụ thể, bao gồm:
- Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.
- Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).
Đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc ra sao?
Căn cứ quy định tại Điều 31 Nghị định 67/2023/NĐ-CP như sau:
Chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
1. Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải bảo đảm minh bạch, đúng mục đích theo quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan.
2. Nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy được sử dụng như sau:
a) Chi hỗ trợ mua sắm trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy: Tối đa không quá 65% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính. Việc mua sắm trang thiết bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
b) Chi hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy, chữa cháy và bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc: Tối đa không quá 15% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính. Nội dung và mức chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
c) Chi hỗ trợ lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong các hoạt động điều tra nguyên nhân vụ cháy; bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; giám sát việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ: Tối đa không quá 15% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính. Nội dung chi, mức chi thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.
d) Chi hỗ trợ khen thưởng thành tích của tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia, phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy: Tối đa không quá 5% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính. Trong đó:
Chi khen thưởng thường xuyên: Thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Chi khen thưởng đột xuất cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia phòng cháy, chữa cháy: Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ thành tích của các tổ chức, cá nhân, nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc quyết định những trường hợp cụ thể được khen thưởng và mức khen thưởng đột xuất.
3. Hàng năm, cùng thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, Bộ Công an lập dự toán thu từ phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, tổng hợp chung vào dự toán của Bộ Công an, gửi Bộ Tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để tổng hợp, theo dõi.
4. Việc quản lý và sử dụng kinh phí theo đúng quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn hiện hành. Bộ Công an có trách nhiệm xét duyệt, thẩm định quyết toán năm đối với nguồn kinh phí thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho các đơn vị trực thuộc; tổng hợp và lập báo cáo quyết toán năm vào nguồn kinh phí khác được để lại, gửi Bộ Tài chính cùng với thời điểm nộp báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước để tổng hợp, theo dõi.
5. Số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy cuối năm chưa sử dụng hết cho từng nội dung quy định tại khoản 2 Điều này được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng theo quy định của pháp luật. Sau 5 năm, trường hợp kinh phí thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không sử dụng hết, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, đánh giá nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, báo cáo Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ trích nộp cho phù hợp.
Như vậy, vệc quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải bảo đảm minh bạch, đúng mục đích theo nội dung quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.