Giáo viên mầm non được nghỉ hưu tuổi 55 theo đề xuất tại dự thảo Luật Nhà giáo? Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo được đề xuất ra sao?
Giáo viên mầm non được nghỉ hưu tuổi 55 tại dự thảo Luật Nhà giáo đúng không?
Tại Điều 46 Luật Viên chức 2010 quy định về chế độ hưu trí đối với viên chức như sau:
Chế độ hưu trí
1. Viên chức được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của viên chức theo quy định hiện nay được thực hiện theo Bộ luật Lao động 2019.
Theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tuổi nghỉ hưu như sau:
Tuổi nghỉ hưu
...
2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là viên chức hiện nay trong điều kiện lao động bình thường là 61 tuổi đối với nam, 56 tuổi 4 tháng đối với nữ.
Lưu ý: Năm 2024, giáo viên mầm non từ đủ 56 tuổi đối với nam, từ đủ 51 tuổi 4 tháng với nữ có thể nghỉ hưu sớm nếu thuộc các trường hợp sau: Bị suy giảm khả năng lao động, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
Giáo viên mầm non có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt khác cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định trên.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 46 Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non như sau:
Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo
1. Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động;
Như vậy, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non là khi đủ 55 tuổi.
>> Xem toàn văn dự thảo Luật Nhà giáo của Bộ Giáo dục: Tải về
Giáo viên mầm non được nghỉ hưu tuổi 55 tại dự thảo Luật Nhà giáo? Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo được đề xuất ra sao? (Hình ảnh Internet)
Chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo được đề xuất ra sao?
Căn cứ Điều 46 dự thảo Luật Nhà giáo nêu rõ chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo như sau:
- Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động;
- Trước 06 (sáu) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo phải thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 03 (ba) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo ra quyết định nghỉ hưu.
- Cơ sở giáo dục có thể ký hợp đồng lao động với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.
Như vậy, trên đây là đề xuất chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo tại dự thảo Luật Nhà giáo.
Giáo viên mầm non là viên chức được nghỉ hưu kể từ thời điểm nào?
Tại khoản 7 Điều 59 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định:
Thủ tục nghỉ hưu
...
7. Các quy định liên quan đến quyết định nghỉ hưu:
a) Trước 03 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này, cơ quan, đơn vị quản lý viên chức phải ra quyết định nghỉ hưu;
b) Căn cứ quyết định nghỉ hưu quy định tại điểm a khoản này, cơ quan, đơn vị quản lý viên chức phối hợp với tổ chức bảo hiểm xã hội tiến hành các thủ tục theo quy định để viên chức được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ hưu;
c) Viên chức được nghỉ hưu có trách nhiệm bàn giao hồ sơ, tài liệu và những công việc đang làm cho người được phân công tiếp nhận ít nhất trước 03 ngày làm việc tính đến thời điểm nghỉ hưu;
d) Kể từ thời điểm nghỉ hưu ghi trong quyết định nghỉ hưu, viên chức được nghỉ hưu và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Theo đó, trước 03 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu, cơ quan, đơn vị quản lý giáo viên mầm non là viên chức phải ra quyết định nghỉ hưu.
Kể từ thời điểm nghỉ hưu ghi trong quyết định nghỉ hưu giáo viên mầm non được nghỉ hưu và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Cơ quan nào thực hiện việc chi trả lương hưu?
Căn cứ tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
Các chế độ bảo hiểm xã hội
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Hưu trí;
đ) Tử tuất.
2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Hưu trí;
b) Tử tuất.
3. Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.
Có thể thấy hưu trí là một trong những chế độ của bảo hiểm xã hội.
Như vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ là nơi chi trả lương hưu cho những đối tượng được hưởng lương hưu.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.