Dự thảo các biện pháp phòng chống bệnh COVID-19: Vì sao chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam?
Khái niệm về "bệnh lưu hành" như thế nào?
Theo hướng dẫn tại tiểu mục a Mục 2 Tờ trình ban hành kèm theo Công văn 3168/BYT-DP năm 2022 về xin ý kiến dự thảo Đề xuất biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới do Bộ Y tế ban hành có nêu ra khái niệm về bệnh lưu hành cụ thể như sau:
- Theo các tài liệu về dịch tễ học trong nước và trên thế giới, đặc biệt là của WHO và USCDC4,5,6,7,8,9,10,11, bệnh “lưu hành” là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.
- Theo Geraldine L.Glimcher, chuyên gia về Miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm: “COVID-19 sẽ trở thành bệnh lưu hành có nghĩa là đại dịch sẽ không kết thúc với việc vi rút biến mất, thay vào đó khi đủ số người được bảo vệ miễn dịch từ việc tiêm chủng hoặc nhiễm tự nhiên thì sẽ ít lây truyền hơn, ít người nhập viện và tử vong liên quan COVID-19 ngay cả khi vi rút tiếp tục lưu hành”.
- Như vậy, một bệnh được coi là lưu hành khi có một số tiêu chí cụ thể như sau: (1) Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; (2) Tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; (3) Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; (4) Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.
- Đối với tiêu chí số 4, hầu hết các nước trên thế giới đều trong trạng thái số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thất thường khi có xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 (như Nam Phi, Mỹ sau 2 tháng dịch có xu hướng giảm đã tăng trở lại từ đầu tháng 5/2022 đến nay do sự lưu hành của các biến thể BA.4, BA.5 và chưa có xu hướng chững lại), vi rút SARS-CoV-2 có thể tiếp tục xuất hiện những biến thể mới; đồng thời miễn dịch có được (do vắc xin và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian. Do đó, sau khoảng thời gian đủ lớn, dịch có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào. Cần thêm thời gian để theo dõi, đánh giá tính ổn định cũng như sự thay đổi của tác nhân gây bệnh.
Dự thảo các biện pháp phòng chống bệnh COVID-19: Vì sao chưa coi bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam?
Bệnh COVID-19 tại một số quốc gia trên thế giới có được xem là bệnh lưu hành?
Tại tiểu mục b Mục 2 Tờ trình ban hành kèm theo Công văn 3168/BYT-DP năm 2022 về xin ý kiến dự thảo Đề xuất biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới do Bộ Y tế ban hành có nêu ra về bệnh COVID-19 tại một số quốc gia trên thế giới có được xem là bệnh lưu hành chưa cụ thể rằng:
- Qua trao đổi với WHO ngày 19/5/2022, chưa có quốc gia nào trên thế giới báo cáo WHO về chính thức công bố coi COVID-19 là bệnh lưu hành ở quốc gia mình; tuy nhiên một số nước Đông Nam Á đã đưa các tiêu chí để xem COVID-19 là bệnh lưu hành (Thái Lan, Indonesia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Úc) trên cơ sở thông qua các chỉ số như tỷ lệ tử vong thấp, tỷ lệ mắc bệnh nặng phải nhập viện giảm và độ bao phủ vắc xin cao tại nhiều độ tuổi đặc biệt ở đối tượng nguy cơ.
- Indonesia quy định COVID-19 là bệnh lưu hành khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh phải dưới 5% và tỷ lệ dương tính phải dưới 1% dân số; Thái Lan dự kiến từ ngày 01/7/2022 coi COVID-19 là bệnh lưu hành với điều kiện tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% (hiện nay tỷ lệ này là gần 0,2%), theo đó sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm, bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, ngoại trừ với những người đang nhiễm bệnh.
- Nhiều nước châu Âu và một số nước châu Á trong thời gian qua cũng đã từng bước nới lỏng nhiều biện pháp trên cơ sở tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cao (trên 80%) và số trường hợp mắc mới, tử vong giảm trong thời gian gần đây. Nhiều quốc gia đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 như đối với các bệnh thông thường khác (không bắt buộc phải cách ly đối với F0, F1, hoặc không phải đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, trong phòng kín,… (Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Iceland).
- Có 118/208 quốc gia, vùng lãnh thổ dỡ bỏ các hạn chế đi lại do COVID-19. Có 156 quốc gia, vùng lãnh thổ (sau đây viết tắt là quốc gia) mở cửa biên giới cho phép tất cả công dân đến từ mọi quốc gia nhập cảnh. Có 28/40 quốc gia tại 5 Châu lục không yêu cầu đeo khẩu trang. Có 11/40 quốc gia tại 5 Châu lục (Estonia, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Lativa, Thái Lan, Lào, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ, Belize, Guatemala) vẫn yêu cầu người dân giữ khoảng cách cá nhân từ 1 đến 2 mét.
Một số đánh giá về bệnh COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam?
Đối với một số đánh giá về dịch bệnh COVID-19 thì tại tiểu mục c Mục 2 Tờ trình ban hành kèm theo Công văn 3168/BYT-DP năm 2022 về xin ý kiến dự thảo Đề xuất biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới do Bộ Y tế ban hành có nêu cụ thể như sau:
- Hiện nay, trên phạm vi toàn cầu ghi nhận số ca mắc mới, tử vong đang giảm nhưng không đồng đều ở các quốc gia, một số nước sau một thời gian giảm đã có sự gia tăng trở lại, một số quốc gia duy trì chính sách “Zero COVID-19” đã có sự bùng phát các ổ dịch trong cộng đồng như Trung Quốc, Triều Tiên...
- WHO nhận định dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành. Ngày 31/3/2022, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra kế hoạch nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022 với điều kiện cơ bản là tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 đạt trên 70% dân số trên phạm vi toàn cầu và kiểm soát được số mắc mới và tử vong do COVID-19. WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
- Vi rút SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron, XE (một biến thể tái tổ hợp giữa biến thể phụ BA.1 và BA.2 của Omicron); kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ, ví dụ biến thể Omicron đã ghi nhận các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3, BA.4, BA.5 và các biến thể này có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm; do đó tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định, chưa có tính ổn định.
- Trong nước, số trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành phố song tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương. Trong thời gian tới, số ca nhiễm có thể tiếp tục theo xu hướng giảm hoặc tăng trở lại khi gặp các điều kiện về tác nhân (xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm), về chính sách (thay đổi các biện pháp phòng chống dịch); đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn; các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới; tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ; hơn nữa miễn dịch do tiêm vắc xin phòng bệnh và miễn dịch mắc phải không bền vững, do đó rất khó trong dự báo dịch.
- Tại Việt Nam, với nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của người dân, chúng ta cũng đã đạt được tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 cao gần 80% dân số tiêm đủ 2 mũi vắc xin trở lên, trong đó nhóm tuổi 18 trở lên đã đạt khoảng 100%, nhóm 12 đến dưới 18 tuổi đạt trên 96,7%, nhóm 5 đến dưới 12 tuổi đã triển khai tiêm trong tháng 4 và phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 6/2022.
- Số mắc mới và tử vong do COVID-19 tại Việt Nam cũng có xu hướng giảm tương đối ổn định từ cuối tháng 3 đến nay, trong những ngày gần đây chỉ ghi nhận dưới 1.000 ca/ ngày (so với thời kỳ đỉnh dịch khoảng trên 170.000 ca/ ngày), số tử vong cũng giảm rõ, một số ngày gần đây ghi nhận dưới 5 ca/ngày.
Như vậy, dựa vào những thông tin trên thì Việt Nam cơ bản đáp ứng được những điều kiện cần thiết để chuyển dần các biện pháp phòng bệnh từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải luôn cảnh giác với các biến thể mới của vi rút và đòi hỏi chính quyền các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa cho hệ thống y tế để sẵn sàng đáp ứng với tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.