Đồng ý vào khách sạn có được xem là thuận tình trong tội hiếp dâm hay không? Bị vu khống về tội hiếp dâm thì phải làm sao?
Liệu đối phương đồng ý vào khách sạn thì có thoát được tội hiếp dâm hay không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội hiếp dâm như sau:
Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Như vậy, dựa theo quy định trên chúng ta có thể thấy: Trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào; đối tượng có đồng ý vào khách sạn hay không thì nếu tại lúc thực hiện hành vi quan hệ tình dục mà “trái với ý muốn của nạn nhân” và dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để thực hiện hành vi thì được xem là phạm tội hiếp dâm.
Đồng ý vào khách sạn có được xem là thuận tình trong tội hiếp dâm hay không? Bị vu khống về tội hiếp dâm thì phải làm sao? (Hình từ Internet)
Bị vu khống về tội hiếp dâm thì phải làm sao?
Căn cứ tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:
Xác định sự thật của vụ án
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Trước khi có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên phạt về một tội phạm nào đó thì vẫn được coi là vô tội, điều này đương nhiên được pháp luật thừa nhận mà không có nghĩa vụ phải chứng minh.
Nếu bên người tố cáo đưa ra được những tình tiết gây bất lợi cho mình thì lúc này nên phối hợp với cơ quan điều tra có thẩm quyền để tìm ra sự thật, còn trong trường hợp việc tố cáo là không có căn cứ pháp lý thì hoàn toàn có quyền đưa đơn tố cáo ngược lại những người đang tố cáo bạn về hành vi vu khống.
Tội hiếp dâm có đơn bãi nại có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (khoản 1 Điều này được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2021) như sau:
Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Như vậy theo quy định trên nếu tội hiếp dâm mà có đơn bãi nại từ bị hại thì vụ án sẽ bị đình chỉ. Tuy nhiên, nếu có căn cứ xác định bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố mà trái ý muốn, bị cưỡng ép thì cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng.
Thời hiệu yêu cầu khởi tố hành vi hiếp dâm là bao lâu?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Như vậy theo quy định trên thời hiệu yêu cầu khởi tố Tội hiếp dâm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Nếu hành vi phạm tội thuộc quy định tại khoản 1 Điều 141 thì thời hiệu yêu cầu khởi tố là 10 năm; thuộc khoản 2, khoản 4 Điều 141 thời hiệu là 15 năm; khoản 3 thời hiệu là 20 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.