Đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách như thế nào khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27?
- Đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách như thế nào khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27?
- Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập được thực hiện như thế nào khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27?
- Lộ trình cải cách tiền lương đối với khu vực công được thực hiện đến năm 2030 như thế nào?
Đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách như thế nào khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27?
Căn cứ theo chỉ đạo của Ban chấp hành TW Đảng tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có nội dung sau:
III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
....
4. Quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương
....
- Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công, từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách. Đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích luỹ.
Đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính phải tự bảo đảm nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm một phần chi thường xuyên, tiếp tục sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ (riêng ngành Y tế sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí đã kết cấu vào giá dịch vụ), tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để bảo đảm nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
Đơn vị sự nghiệp công lập không có nguồn thu do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
....
Như vậy, theo chỉ đạo tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 thì đơn vị sự nghiệp công lập khi cải cách tiền lương cần thực hiện 3 giải pháp tài chính, ngân sách trọng điểm:
+ Cải cách về thu chi phí của đơn vị sự nghiệp khi thực hiện cung cấp dịch vụ công.
+ Quản lý tài chính để đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương.
+ Thực hiện quản lý, tiết kiệm tài chính của đơn vị sự nghiệp công chưa tự chủ tài chính và không có nguồn thu từ cung cấp dịch vụ.
Đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện các giải pháp tài chính như thế nào khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27? (Hình ảnh từ Internet)
Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập được thực hiện như thế nào khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27?
Căn cứ theo chỉ đạo tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 liên quan đến những nội dung cải cách tiền lương thì cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập được thực hiện như sau:
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng quy chế để thưởng định kỳ cho các đối tượng thuộc quyền quản lý, gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người.
- Mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như doanh nghiệp.
- Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thì áp dụng chế độ tiền lương như công chức. Tiền lương thực trả gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định trên cơ sở nguồn thu (từ ngân sách nhà nước cấp và từ nguồn thu của đơn vị), năng suất lao động, chất lượng công việc và hiệu quả công tác theo quy chế trả lương của đơn vị, không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Lộ trình cải cách tiền lương đối với khu vực công được thực hiện đến năm 2030 như thế nào?
Căn cứ theo chỉ đạo tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 thì lộ trình cải cách tiền lương đối với khu vực công đến năm 2030 được thực hiện như sau:
- Từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị.
- Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
- Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.
- Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.
- Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.