Đối tượng không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024 theo Nghị quyết 107/2023/QH15?
Đối tượng không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024 theo Nghị quyết 107/2023/QH15?
Ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (hay còn gọi là thuế tối thiểu toàn cầu).
Theo đó, Điều 2 Nghị quyết 107/2023/QH15 quy định rõ người nộp thuế tối thiểu toàn cầu là Đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 02 năm trong 04 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (EUR) trở lên.
Và 07 đối tượng không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024 theo Nghị quyết 107/2023/QH15 bao gồm:
- Tổ chức của chính phủ;
- Tổ chức quốc tế;
- Tổ chức phi lợi nhuận;
- Quỹ hưu trí;
- Quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao;
- Tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao;
- Tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức quy định trên.
Đối tượng không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024 theo Nghị quyết 107/2023/QH15?
Công thức xác định tổng số thuế bổ sung tại một nước như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết 107/2023/QH15.
Theo đó, công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam là đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 02 năm trong 04 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (EUR) trở lên, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp tại nước ngoài theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại bất kỳ thời điểm nào trong năm tài chính phải khai và nộp thuế theo quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu bằng phần thuế phân bổ từ thuế bổ sung theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của các đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp ở nước ngoài trong năm tài chính.
Trừ trường hợp số thuế bổ sung này được nộp ở nước khác, nơi có quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu đạt chuẩn được ưu tiên áp dụng theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu về thứ tự ưu tiên đánh thuế.
Trong đó, Tổng số thuế bổ sung tại một nước được xác định theo công thức sau:
Tổng số thuế bổ sung tại một nước = (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Số thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có) - Số thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (nếu có). |
Trong đó:
- Tỷ lệ thuế bổ sung = Thuế suất tối thiểu - Thuế suất thực tế:
+ Thuế suất tối thiểu là 15%.
+ Thuế suất thực tế tại một nước được tính cho mỗi năm tài chính = Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tại nước đó thuộc phạm vi áp dụng đã được điều chỉnh trong năm tài chính của các đơn vị hợp thành tại nước đó / Thu nhập ròng tại nước đó trong năm tài chính theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
- Lợi nhuận tính thuế bổ sung = Thu nhập ròng theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu - Giá trị tài sản hữu hình và tiền lương được giảm trừ theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
Nghị quyết áp thuế tối thiểu toàn cầu khi nào chính thức áp dụng?
Căn cứ theo Điều 8 Nghị quyết 107/2023/QH15 có nội dung như sau:
Điều khoản thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
2. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này.
3. Trường hợp sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, Diễn đàn hợp tác chung về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận toàn cầu có hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì Chính phủ quy định nội dung cụ thể để thực hiện; trường hợp có nội dung trái với quy định của Nghị quyết này thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; trường hợp cấp bách trong thời gian Quốc hội không họp thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất./.
Như vậy, Nghị quyết 107/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Bên cạnh đó, nhằm thống nhất quy định về thuế TNDN, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.