Đổi tiền Việt Nam sang ngoại tệ tại các tiệm vàng có bị xử phạt không? Nên đổi tiền Việt Nam sang ngoại tệ ở những nơi nào?
Công dân Việt Nam có được đổi tiền Việt Nam sang ngoại tệ hay không?
Căn cứ vào Điều 2 Thông tư 20/2011/TT-NHNN quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến các mục đích sau:
a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
2. Đối với các mục đích hợp pháp khác quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối, cá nhân có thể mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép tùy theo khả năng cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng.
3. Cá nhân là người nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
4. Cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép và Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
Tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP quy định như sau:
Chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài
…
2. Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các mục đích sau:
a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;
c) Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;
d) Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;
đ) Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;
e) Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;
g) Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.
Theo đó, công dân Việt Nam đang cư trú tại Việt Nam có thể đổi tiền Việt Nam thành ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép đổi ngoại tệ để phục vụ cho các mục đích như học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, đóng các loại phí, lệ phí cho người ngoài, đi công tác, du lịch ở nước ngoài,… theo các quy định trên.
Đổi tiền Việt Nam sang ngoại tệ tại các tiệm vàng có bị xử phạt không? Nên đổi tiền Việt Nam sang ngoại tệ ở những nơi nào?
Những nơi nào được phép đổi tiền Việt Nam sang ngoại tệ?
Như đã phân tích ở nội dung trên thì cá nhân có thể đổi tiền Việt Nam sang ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được cho phép thực hiện hoạt động đổi ngoại tệ. Vậy, tổ chức tín dụng là gì?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
Theo đó, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện các hoạt động ngân hàng gồm có ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
Căn cứ vào khoản 4 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
4. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.
Công ty cho thuê tài chính là loại hình công ty tài chính có hoạt động chính là cho thuê tài chính theo quy định của Luật này.
Như vậy, cá nhân có thể đổi tiền Việt Nam sang ngoại tệ tại các ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tại chính,.. được cấp phép hoạt động đổi ngoại tệ.
Đổi tiền Việt Nam thành ngoại tệ tại tiệm vàng thì có bị phạt không?
Căn cứ vào Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a, điểm d khoản 13 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP và được bổ sung bởi điểm b, điểm c khoản 13 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định như sau:
Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối
1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);
b) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);
c) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;
b) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần;
c) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.
…
10. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ, giấy phép mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài, giấy phép thành lập bàn đổi ngoại tệ cá nhân đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm i khoản 5, điểm c khoản 6 Điều này
Như đã phân tích ở nội dung trên thì tổ chức tín dụng không bao gồm tiệm vàng. Do đó, tiệm vàng không được phép thực hiện hoạt động đổi tiền Việt Nam sang ngoại tệ.
Theo đó, sẽ căn cứ vào giá trị ngoại tệ được đổi từ tiền Việt Nam là bao nhiêu đô la Mỹ để xác định hình thức xử phạt theo quy định nêu trên. Trong đó, xử phạt nhẹ nhất là cảnh cáo và nặng nhất là xử phạt hành chính từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Ngoài ra còn sẽ bị tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi đổi ngoại tệ không đúng tổ chức được cấp phép.
Mức xử phạt hành chín theo quy định trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm thì bị xử phạt gấp đôi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.