Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có phải thông báo với cơ quan thuế không? Không thông báo tạm ngừng kinh doanh có bị phạt không?
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có phải thông báo với cơ quan thuế hay không?
Căn cứ vào Điều 37 Luật Quản lý thuế 2019 quy định như sau:
Thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh
1. Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh tạm ngừng hoạt động, kinh doanh có thời hạn hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn đã thông báo theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan thì cơ quan thuế căn cứ vào thông báo của người nộp thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quản lý thuế trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn theo quy định của Luật này.
2. Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh thì thực hiện thông báo đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là 01 ngày làm việc trước khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn đã thông báo để thực hiện quản lý thuế.
3. Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời hạn tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn.
Theo đó, nếu như doanh nghiệp thuộc diện đăng ký kinh doanh thì khi thực hiện tạm ngừng kinh doanh chỉ cần thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh chứ không cần thông báo với cơ quan thuế.
Đối với doanh nghiệp không thuộc diện đăng ký kinh doanh thì khi tạm ngừng kinh doanh phải thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có phải thông báo với cơ quan thuế không? Không thông báo tạm ngừng kinh doanh có bị phạt không?
Thời gian tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp là bao lâu?
Theo khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh
1. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.
Theo đó, doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh không quá 01 năm cho mỗi lần thông báo. Điều này đã mở rộng về khoảng thời gian tạm ngừng kinh doanh cho doanh nghiệp hơn so với Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Bởi lẽ, trước đây theo quy định của Nghị định 78/2015/NĐ-CP thì doanh nghiệp cũng vẫn tạm ngừng kinh doanh không quá một năm nhưng nếu tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không quá 02 năm.
Nghĩa là doanh nghiệp chỉ tạm ngừng tối đa được 2 năm trong 2 lần liên tiếp. Còn theo quy định tại Nghị 01/2021/NĐ-CP thì không giới hạn số lần tạm ngừng và cùng không giới hạn về khoảng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp.
Như vậy, với quy định của Nghị định 01/2021/NĐ-CP sẽ giúp cho doanh nghiệp có thêm nhiều thời gian để cải tổ, nâng cấp bộ máy làm việc cũng như là hệ thống máy móc nhằm trở lại kinh doanh hiệu quả nhất khi đã sẵn sàng.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP cũng quy định doanh nghiệp phải nộp thông báo tạm ngừng kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh.
Không thông báo tạm ngừng kinh doanh có bị xử phạt hay không?
Căn cứ vào Điều 50 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm các nghĩa vụ thông báo khác
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế về việc cho thuê doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế;
b) Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi có thay đổi thông tin về người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn là tổ chức, công ty;
c) Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thông báo về việc cho thuê doanh nghiệp tư nhân đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong trường hợp không thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc thông báo khi có thay đổi thông tin về người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn là tổ chức, công ty đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp không thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc thông báo về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong trường hợp không thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi thực hiện tạm ngừng kinh doanh thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn buộc phải thông báo về thời điểm tạm ngừng kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.