Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn bổ sung hoặc sửa đổi biểu mẫu, tên và nội dung các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính thì cần xin ai?
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn bổ sung hoặc sửa đổi biểu mẫu, tên và nội dung các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính thì cần xin ai?
- Hệ thống báo cáo tài chính năm áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư 133 bao gồm những gì?
- Mục đích của báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì?
Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn bổ sung hoặc sửa đổi biểu mẫu, tên và nội dung các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính thì cần xin ai?
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Thông tư 133/2016/TT-BTC có quy định như sau:
Đăng ký sửa đổi Chế độ kế toán
..
2. Đối với Báo cáo tài chính
a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa căn cứ biểu mẫu và nội dung của các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này để chi tiết các chỉ tiêu (có sẵn) của hệ thống Báo cáo tài chính phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh, yêu cầu quản lý của từng đơn vị.
b) Trường hợp doanh nghiệp cần bổ sung mới hoặc sửa đổi biểu mẫu, tên và nội dung các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.
Theo đó, nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn sửa đổi biểu mẫu, tên và nội dung các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính thì bắt buộc phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn bổ sung hoặc sửa đổi biểu mẫu, tên và nội dung các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính thì cần xin ai? (Hình từ Internet)
Hệ thống báo cáo tài chính năm áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư 133 bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 71 Thông tư 133/2016/TT-BTC có quy định như sau:
Hệ thống báo cáo tài chính
1. Hệ thống báo cáo tài chính năm áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng giả định hoạt động liên tục bao gồm:
a) Báo cáo bắt buộc:
- Báo cáo tình hình tài chính Mẫu số B01a - DNN
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B02 - DNN
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính Mẫu số B09 - DNN
Tùy theo đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý, doanh nghiệp có thể lựa chọn lập Báo cáo tình hình tài chính theo Mẫu số B01b - DNN thay cho Mẫu số B01a - DNN.
Báo cáo tài chính gửi cho cơ quan thuế phải lập và gửi thêm Bảng cân đối tài khoản (Mẫu số F01 - DNN).
b) Báo cáo không bắt buộc mà khuyến khích lập:
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Mẫu số B03 - DNN
2. Hệ thống báo cáo tài chính năm áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đáp ứng giả định hoạt động liên tục bao gồm:
a) Báo cáo bắt buộc:
- Báo cáo tình hình tài chính Mẫu số B01 - DNNKLT
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B02 - DNN
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính Mẫu số B09 - DNNKLT
b) Báo cáo không bắt buộc mà khuyến khích lập:
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ Mẫu số B03 - DNN
3. Hệ thống báo cáo tài chính năm bắt buộc áp dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ bao gồm:
- Báo cáo tình hình tài chính Mẫu số B01 - DNSN
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh Mẫu số B02 - DNSN
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính Mẫu số B09 - DNSN
Khi lập báo cáo tài chính, các doanh nghiệp phải tuân thủ biểu mẫu báo cáo tài chính theo quy định. Trong quá trình áp dụng, nếu thấy cần thiết, các doanh nghiệp có thể sửa đổi, bổ sung báo cáo tài chính cho phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp nhưng phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể lập thêm các báo cáo khác để phục vụ yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
4. Nội dung, phương pháp lập và trình bày các chỉ tiêu trong từng báo cáo được áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, tùy vào doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng giả định hoạt động liên tục hay không mà các doanh nghiệp xác định hệ thống báo cáo tài chính dành cho mình theo quy định nêu trên.
Mục đích của báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì?
Căn cứ Điều 69 Thông tư 133/2016/TT-BTC có quy định như sau:
Mục đích của báo cáo tài chính
1. Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về:
a) Tài sản;
b) Nợ phải trả;
c) Vốn chủ sở hữu;
d) Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác;
đ) Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh.
2. Ngoài các thông tin này, doanh nghiệp còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các Báo cáo tài chính và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày Báo cáo tài chính.
Theo đó, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.