Doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt được miễn trách nhiệm bồi thường hàng hóa bị mất mát trong trường hợp nào?
- Doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt được miễn trách nhiệm bồi thường hàng hóa bị mất mát trong trường hợp nào?
- Xác định mức bồi thường cho người thuê vận tải, người nhận hàng khi hàng hóa bị mất mát do lỗi của doanh nghiệp như thế nào?
- Giải quyết tranh chấp phát sinh khi vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt như thế nào?
Doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt được miễn trách nhiệm bồi thường hàng hóa bị mất mát trong trường hợp nào?
Căn cứ tại Điều 53 Thông tư 22/2018/TT-BGTVT quy định doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt không phải bồi thường hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng, hoặc giảm chất lượng hàng hóa trong những trường hợp sau đây:
- Do nguyên nhân bất khả kháng.
- Do tính chất tự nhiên hoặc khuyết tật vốn có của hàng hóa; do đặc điểm của hàng hóa gây ra tự cháy, biến chất, hao hụt, han gỉ, nứt vỡ; động vật sống bị dịch bệnh.
- Hàng hóa có người áp tải bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng, hoặc giảm chất lượng không do lỗi của doanh nghiệp gây ra.
- Người thuê vận tải bao gói, đóng thùng, xếp hàng hóa trong công-te-nơ không đúng quy cách.
- Khai sai tên hàng hóa; đánh dấu ký hiệu kiện hàng hóa không đúng.
- Hàng hóa do người gửi hàng niêm phong, khi dỡ hàng dấu hiệu, ký hiệu niêm phong còn nguyên vẹn, toa xe hoặc công-te-nơ không có dấu vết bị mở, phá.
- Hàng hóa xếp trong toa xe không mui còn nguyên vẹn dấu hiệu bảo vệ; dây chằng buộc tốt, bao kiện còn nguyên vẹn, đủ số lượng; không có dấu hiệu bị phá, mở.
- Do quá kỳ hạn nhận hàng quy định tại Điều 35 Thông tư 22/2018/TT-BGTVT dẫn đến hàng hóa bị giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng.
- Do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu giữ hoặc cưỡng chế kiểm tra dẫn đến bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng.
Doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt được miễn trách nhiệm bồi thường hàng hóa bị mất mát trong trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Xác định mức bồi thường cho người thuê vận tải, người nhận hàng khi hàng hóa bị mất mát do lỗi của doanh nghiệp như thế nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 54 Thông tư 22/2018/TT-BGTVT quy định như sau:
Bồi thường hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng do lỗi của doanh nghiệp
Doanh nghiệp bồi thường hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng cho người thuê vận tải, người nhận hàng theo quy định sau:
1. Hàng hóa bị mất mát toàn bộ thì bồi thường toàn bộ, hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng, hoặc giảm chất lượng một phần thì bồi thường phần mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng; trường hợp phần hư hỏng dẫn đến hàng hóa mất hoàn toàn giá trị sử dụng thì phải bồi thường toàn bộ và doanh nghiệp được quyền sở hữu số hàng hóa tổn thất đã bồi thường.
2. Mức bồi thường hàng hóa mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng thực hiện theo quy định sau:
a) Đối với hàng hóa có kê khai giá trị trong hóa đơn gửi hàng hóa thì bồi thường theo giá trị kê khai; trường hợp doanh nghiệp chứng minh được giá trị thiệt hại thực tế thấp hơn giá trị kê khai thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế;
b) Đối với hàng hóa không kê khai giá trị trong hóa đơn gửi hàng hóa thì bồi thường theo quy định như sau: Theo mức do hai bên thỏa thuận; theo giá trị trên hóa đơn mua hàng; theo giá thị trường của hàng hóa đó tại thời điểm trả tiền vận chuyển và địa điểm trả hàng; trong trường hợp không có giá thị trường của hàng hóa đó thì theo giá trị trung bình của hàng hóa cùng loại, cùng chất lượng trong khu vực nơi trả hàng.
3. Đối với hàng hóa đã được người thuê vận tải mua bảo hiểm hàng hóa, việc bồi thường được thực hiện theo hợp đồng bảo hiểm.
4. Ngoài việc bồi thường thiệt hại theo quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này, doanh nghiệp còn phải hoàn lại cho người thuê vận tải toàn bộ tiền vận chuyển và chi phí khác mà doanh nghiệp đã thu trong quá trình vận tải đối với số hàng hóa bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng.
5. Người thuê vận tải, người nhận hàng và doanh nghiệp thỏa thuận về các hình thức và mức bồi thường hàng hóa được quy định tại các Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này hoặc bằng các hình thức và mức bồi thường khác mà hai bên thống nhất thực hiện, trường hợp không thỏa thuận được thì việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 56 Thông tư này.
Như vậy theo quy định trên xác định mức bồi thường cho người thuê vận tải, người nhận hàng khi hàng hóa bị mất mát do lỗi của doanh nghiệp như sau:
- Đối với hàng hóa có kê khai giá trị trong hóa đơn gửi hàng hóa thì bồi thường theo giá trị kê khai; trường hợp doanh nghiệp chứng minh được giá trị thiệt hại thực tế thấp hơn giá trị kê khai thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế.
- Đối với hàng hóa không kê khai giá trị trong hóa đơn gửi hàng hóa thì bồi thường theo quy định như sau: Theo mức do hai bên thỏa thuận; theo giá trị trên hóa đơn mua hàng; theo giá thị trường của hàng hóa đó tại thời điểm trả tiền vận chuyển và địa điểm trả hàng; trong trường hợp không có giá thị trường của hàng hóa đó thì theo giá trị trung bình của hàng hóa cùng loại, cùng chất lượng trong khu vực nơi trả hàng.
Giải quyết tranh chấp phát sinh khi vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt như thế nào?
Căn cứ tại Điều 56 Thông tư 22/2018/TT-BGTVT quy định giải quyết tranh chấp phát sinh khi hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt như sau:
Giải quyết tranh chấp
1. Trong quá trình vận tải hàng hóa bằng đường sắt, nếu phát sinh sự cố làm ảnh hưởng đến lợi ích của các bên thì doanh nghiệp và người thuê vận tải, người nhận hàng giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện tại Tòa án.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Như vậy theo quy định trên tranh chấp phát sinh khi vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt có thể giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải hoặc khởi kiện tại Tòa án.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.