Đô thị loại 2, đô thị loại 3 là gì? Khi nào đô thị loại 3 được lên đô thị loại 2? Chủ thể nào có trách nhiệm lập đề án phân loại đô thị loại 2?
Đô thị loại 2 là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Đô thị 2009 quy định:
Phân loại và cấp quản lý hành chính đô thị
1.Đô thị được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, II, III, IV và V theo các tiêu chí cơ bản sau đây:
a) Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đô thị;
b) Quy mô dân số;
c) Mật độ dân số;
d) Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp;
đ) Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, căn cứ Điều 5 Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 có quy định như sau:
Đô thị loại II
1. Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
a) Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành cấp vùng, cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, trung tâm hành chính cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh hoặc một vùng liên tỉnh;
b) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
2. Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 200.000 người trở lên; khu vực nội thành đạt từ 100.000 người trở lên.
3. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.800 người/km2 trở lên; khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 8.000 người/km2 trở lên.
4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 65% trở lên; khu vực nội thành đạt từ 80% trở lên.
5. Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Như vậy, đô thị loại 2 là trung tâm tổng hợp chuyên ngành cấp vùng hoặc cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ, trung tâm hành chính cấp tỉnh, đầu mối giao thông.
Ví dụ cụ thể về một đô thị loại 2 hiện nay: Đô thị Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Long An, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Là cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long, giao thông đường bộ có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 62, giao thông đường thủy có sông Vàm Cỏ Tây.
Đô thị loại 2, đô thị loại 3 là gì? Khi nào đô thị loại 3 được lên đô thị loại 2? Chủ thể nào có trách nhiệm lập đề án phân loại đô thị loại 2? (Hình từ Internet)
Đô thị loại 3 là gì?
Căn cứ Điều 6 Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 có quy định như sau:
Đô thị loại III
1. Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội:
a) Vị trí, chức năng, vai trò là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vùng liên tỉnh;
b) Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
2. Quy mô dân số toàn đô thị đạt từ 100.000 người trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 50.000 người trở lên.
3. Mật độ dân số toàn đô thị đạt từ 1.400 người/km2 trở lên; khu vực nội thành, nội thị tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 7.000 người/km2 trở lên.
4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 60% trở lên; khu vực nội thành, nội thị đạt từ 75% trở lên.
5. Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết này.
Như vậy, đô thị loại 3 cũng là trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đầu mối giao thông. Đô thị loại 2 và loại 3 đều có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh, vùng liên tỉnh. Tuy nhiên khác với đô thị loại 2, đô thị loại 3 không có điều kiện phải là trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành cấp vùng hoặc cấp tỉnh.
Khi nào đô thị loại 3 lên đô thị loại 2?
Dựa trên những phân tích trên, một đô thị loại 3 khi thỏa mãn các điều kiện luật định về đô thị loại 2 như về: Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đô thị; Quy mô dân số; Mật độ dân số; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng. Khi đó, các chủ thể có trách nhiệm lập đề án phân loại đô thị.
Về chủ thể có trách nhiệm lập đề án phân loại đô thị loại 2 được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 là Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Về trình tự, thủ tục phân loại đô thị loại 2 được quy định tại Điều 13 Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 như sau:
Trình tự, thủ tục phân loại đô thị
1. Trách nhiệm thẩm định đề án phân loại đô thị:
a) Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định đề án phân loại đô thị đối với đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III và loại IV;
b) Sở Xây dựng tổ chức thẩm định đề án phân loại đô thị loại V.
2. Nội dung thẩm định:
a) Đề án và trình tự, thủ tục lập đề án;
b) Căn cứ pháp lý, sự phù hợp với định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia, vùng liên tỉnh, tỉnh và định hướng phát triển của đô thị;
c) Kiểm tra, đối chiếu nội dung đề án so với thực trạng phát triển đô thị;
d) Đánh giá các tiêu chí phân loại đô thị.
3. Đề án trình thẩm định gồm tờ trình của Ủy ban nhân dân và nghị quyết của Hội đồng nhân dân có thẩm quyền; đề án phân loại đô thị; các văn bản pháp lý có liên quan.
4. Cơ quan thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định đề án phân loại đô thị trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ đề án theo quy định tại Nghị quyết này.
5. Người có thẩm quyền phân loại đô thị quy định tại Điều 11 của Nghị quyết này có trách nhiệm xem xét, quyết định công nhận loại đô thị trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình, đề án phân loại đô thị và báo cáo thẩm định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.