Điều kiện kinh doanh thể thao đối với môn bơi lội là gì? Tiêu chuẩn hồ bơi được quy định như thế nào?
Điều kiện kinh doanh thể thao đối với môn bơi lội là gì? Tiêu chuẩn hồ bơi được quy định như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 17 Nghị định 36/2019/NĐ-CP quy định:
Điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước
1. Có nhân viên cứu hộ.
2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.
3. Đối với hoạt động thể thao trên sông, trên biển, trên hồ hoặc suối lớn phải có xuồng máy cứu sinh.
Về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, căn cứ Điều 14 Nghị định 36/2019/NĐ-CP có quy định:
Cơ sở vật chất, trang thiết bị
Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành.
Cụ thể hơn, căn cứ Điều 3 Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL quy định như sau:
Cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện
1. Bể bơi:
a) Kích thước: Bể bơi được xây dựng hoặc lắp đặt có kích thước không nhỏ hơn 6m x 12m hoặc có diện tích tương đương;
b) Đáy bể có độ dốc đều, không gấp khúc, chênh lệch độ sâu không quá 1m đối với bể bơi có chiều dài từ 25m trở lên hoặc không quá 0,5m đối với bể bơi có chiều dài nhỏ hơn 25m;
c) Thành bể, đáy bể có bề mặt nhẵn, mịn, dễ làm sạch.
2. Bục xuất phát chỉ được lắp đặt đối với bể bơi có độ sâu không nhỏ hơn 1,35m.
3. Có phòng thay đồ, khu tắm tráng và khu vệ sinh; sàn các khu vực này và xung quanh bể bơi phải phẳng, không đọng nước, không trơn trượt.
4. Khu vực rửa chân được đặt tại vị trí trước khi người tập xuống bể.
5. Có hệ thống âm thanh trong tình trạng hoạt động tốt.
6. Hệ thống ánh sáng bảo đảm độ sáng không nhỏ hơn 300 Lux ở mọi địa điểm trên mặt nước bể bơi.
7. Có dây phao được căng để phân chia các khu vực của bể bơi.
8. Dụng cụ cứu hộ:
a) Sào cứu hộ được đặt trên thành bể ở các vị trí thuận lợi dễ quan sát và sử dụng, có độ dài 2,5m, sơn màu đỏ - trắng. Mỗi bể bơi phải có ít nhất 06 sào;
b) Phao cứu sinh được đặt trên thành bể ở vị trí thuận lợi khi sử dụng. Mỗi bể bơi phải có ít nhất 06 phao;
c) Ghế cứu hộ được đặt trên thành bể ở vị trí thuận lợi dễ quan sát cho nhân viên cứu hộ, có chiều cao ít nhất 1,5m so với mặt bể.
9. Bảng nội quy, biển báo:
a) Bảng nội quy, biển báo được đặt ở các hướng, vị trí khác nhau, dễ đọc, dễ quan sát;
b) Bảng nội quy bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Giờ tập luyện, biện pháp bảo đảm an toàn, quy định đối tượng không được tham gia tập luyện và các quy định khác;
c) Biển báo: Khu vực dành cho người không biết bơi (có độ sâu từ 01m trở xuống), khu vực dành cho những người biết bơi, khu vực cấm nhảy cắm đầu (có độ sâu ít hơn 1,4m).
Ngoài ra, chủ thể kinh doanh cũng phải đảm bảo các điều kiện về mật độ tập luyện, hướng dẫn tập luyện và cứu hộ theo Điều 5 Thông tư này.
Điều kiện kinh doanh thể thao đối với môn bơi lội là gì? Tiêu chuẩn hồ bơi được được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thể thao đối với môn bơi lội?
Căn cứ Điều 19 Nghị định 36/2019/NĐ-CP hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thể thao đối với môn bơi lội bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 36/2019/NĐ-CP.
- Bản tóm tắt tình hình chuẩn bị các điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 36/2019/NĐ-CP
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bản sao văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận của nhân viên chuyên môn.
Kinh doanh hồ bơi nhưng không có nhân viên cứu hộ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 20 Nghị định 46/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi kinh doanh hồ bơi nhưng không có nhân viên cứu hộ được quy định như sau:
Vi phạm quy định về nhân viên chuyên môn trong kinh doanh hoạt động thể thao
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người hướng dẫn tập luyện thể thao, nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế không đáp ứng điều kiện theo quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không bảo đảm yêu cầu về số lượng người hướng dẫn tập luyện thể thao, nhân viên cứu hộ theo quy định;
b) Không có nhân viên y tế thường trực hoặc không có văn bản thỏa thuận với cơ sở y tế gần nhất về nhân viên y tế để sơ cứu, cấp cứu người tham gia hoạt động thể thao mạo hiểm trong trường hợp cần thiết;
c) Sử dụng nhân viên chuyên môn không đáp ứng điều kiện theo quy định.
3. Các quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này cũng được áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tập luyện; kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm; kinh doanh hoạt động thể thao dưới nước.
4. Hình thức xử phạt bổ sung
Đình chỉ hoạt động thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Theo đó, chủ cơ sở kinh doanh này có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động thể thao.
Mức phạt tiền này được áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp chủ thể vi phạm là tổ chức thì mức phạt tiền là gấp đôi, căn cứ khoản 2 Điều 5 Nghị định 46/2019/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.