Điều kiện để được tách thửa đất tại tỉnh Quảng Nam được quy định như thế nào? Không được tách thửa đất trong trường hợp nào?

Tôi là Hồng, tôi có một thửa đất tại thị xã Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Tôi muốn tách một phần đất thành hai phần để cho ba tôi một phần. Tôi được biết UBND tỉnh Quảng Nam có ban hành Quyết định 30/2021/QĐ-UBND quy định về điều kiện tách thửa đất. Cho tôi hỏi tỉnh Quảng Nam quy định bao nhiêu m2 thì được tách thửa đất ở?

diện tích tối thiểu để được tách thửa đối với đất ở tỉnh Quảng Nam là bao nhiêu?

Căn cứ Điều 14 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND, điều kiện tối thiểu để được tách thửa đất ở như sau: Diện tích, kích thước tối thiểu đối với thửa đất ở được hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách phải đảm bảo chiều rộng mặt tiền từ 04 m trở lên; trường hợp thửa đất có chiều rộng mặt tiền trên 04 m thì chiều sâu (tính từ mặt tiền đến hết thửa đất) phải đảm bảo từ 05 m trở lên (sau khi trừ lộ giới hoặc các công trình có hành lang bảo vệ) phải đảm bảo điều kiện cụ thể như sau:

- Đối với đất thuộc khu vực I: Diện tích tối thiểu là 40 m2.

- Đối với đất thuộc khu vực II: Diện tích tối thiểu là 50 m2.

- Đối với đất thuộc khu vực III: Diện tích tối thiểu là 60 m2.

Diện tích tối thiểu để được tách thửa đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tỉnh Quảng Nam là bao nhiêu?

Căn cứ Điều 15 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND, điều kiện tối thiểu để được tách thửa đất đối với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp như sau:

- Trường hợp thửa đất đang sử dụng phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới hoặc quy hoạch sản xuất nông nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

+ Tách thửa đối với đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở để chuyển mục đích sang đất ở thì thửa đất tách ra phải đảm bảo điều kiện về diện tích, kích thước tối thiểu theo quy định tại Điều 14 Quy định này. Trước khi xây dựng nhà ở phải thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở theo quy định tại Điều 57 Luật Đất đai;

+ Tách thửa đối với đất nông nghiệp không phải là đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở nhưng không chuyển mục đích sang đất ở.

Đối với đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa nằm trong ranh giới tại các phường thuộc thị xã, thành phố và nội thị trấn thuộc huyện thì diện tích đất tối thiểu được tách thửa là 200 m2; trong ranh giới tại các xã thuộc huyện, thị xã, thành phố còn lại, ngoại thị trấn thuộc huyện, thì diện tích đất tối thiểu được tách thửa là 300 m2;

Đối với đất nông nghiệp là đất trồng lúa thì không được tách thửa, trừ các trường hợp sau đây: tách thửa để phân chia thừa kế quyền sử dụng đất; tách thửa để tặng, cho giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau, thì diện tích tối thiểu được tách thửa là 500 m2;

Đối với đất nông nghiệp là đất rừng trồng sản xuất, nằm trong ranh giới các phường thuộc thị xã, thành phố, nội thị trấn thuộc các huyện thì diện tích đất tối thiểu được tách thửa là 2.000 m2 trở lên; nằm trong ranh giới các xã thuộc huyện, thị xã, thành phố và ngoại thị trấn thuộc huyện thì diện tích đất tối thiểu được tách thửa là 5.000 m2.

+ Tách thửa đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Đối với khu vực đã có quy hoạch xây dựng chi tiết đã được phê duyệt, thì diện tích tối thiểu được phép tách thửa phải phù hợp với quy hoạch xây dựng chi tiết đã được phê duyệt.

Đối với khu vực chưa có quy hoạch xây dựng chi tiết được phê duyệt, thì diện tích tối thiểu được tách thửa được áp dụng theo điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đối với loại đất ở được quy định tại Điều 14 Quy định này.

- Trường hợp thửa đất sử dụng theo hiện trạng mà phải chuyển mục đích sử dụng đất.

+ Thửa đất có mục đích sử dụng là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở (không thuộc khu vực Nhà nước phải thu hồi để thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch hoặc kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt) nhưng nằm trong quy hoạch đất ở thì được tách thửa theo điều kiện diện tích tối thiểu đối với loại đất ở được quy định tại Điều 14 Quy định này.

Trước khi tách thửa đất, người sử dụng đất phải lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang loại đất ở đối với diện tích dự kiến tách thửa, trừ các trường hợp: thi hành quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật; thực hiện di chúc đã phát sinh hiệu lực; thực hiện tặng, cho giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau.

+ Thửa đất thuộc khu vực phải thu hồi đất để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa có văn bản về chủ trương thu hồi đất thì được tách thửa theo điều kiện diện tích tối thiểu đối với từng loại đất được quy định tại khoản 1 Điều này. Trong trường hợp này, người sử dụng đất phải có giấy cam kết (được UBND cấp xã xác nhận) là tiếp tục sử dụng thửa đất được chia tách đúng mục đích theo hiện trạng đang sử dụng. Người sử dụng đất không được tự thay đổi mục đích sử dụng đất và không được xây dựng mới hoặc cơi nới, mở rộng nhà ở và các công trình hiện có. Trường hợp làm trái với cam kết phải tự tháo dỡ và không được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ.

- Trường hợp thửa đất vừa có mục đích là đất ở kết hợp với các mục đích khác nằm trong quy hoạch đất ở theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch sản xuất nông nghiệp được phê duyệt, khi tách phần đất ở thì diện tích tối thiểu được tách thửa được áp dụng theo điều kiện, diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với loại đất ở được quy định tại Điều 14 Quy định này.

Trường hợp thửa đất vừa có mục đích là đất ở kết hợp với các mục đích khác nằm trong quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp được duyệt, khi tách thửa phần diện tích đất nông nghiệp (ngoài hiện trạng diện tích đất ở) thì thửa đất nông nghiệp có diện tích tối thiểu được tách thửa thực hiện theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều này.

- Đối với khu đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, có phần diện tích đất thuộc hành lang công trình công cộng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, Nhà nước chưa thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì phần diện tích đất nông nghiệp này được tách cùng với đất ở và không bị điều chỉnh về diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này, việc tách thửa đất ở phải đảm bảo theo quy định tại Điều 14 Quy định này.

Điều kiện để được tách thửa đất tại tỉnh Quảng Nam năm 2022 được quy định như thế nào? Không được tách thửa đất trong trường hợp nào?

Diện tích tối thiểu để được tách thửa đối với các loại đất khác tỉnh Quảng Nam là bao nhiêu?

Căn cứ Điều 16 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND, điều kiện tối thiểu để được tách thửa đất đối với các loại đất khác được quy định như sau:

- Trường hợp người sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận khi có nhu cầu tách thửa đối với đất ở nhưng thửa đất tách ra và thửa đất còn lại phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 30 m2, cạnh chiều rộng mặt tiền là 3,5 m, cạnh chiều sâu (tính từ mặt tiền đến hết thửa đất) là 05 m và để xem xét giải quyết trong các trường hợp sau đây:

+ Tách thửa đất để phân chia tài sản khi ly hôn hoặc sau khi ly hôn, để thừa kế quyền sử dụng đất.

+ Tách thửa đất để thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất do hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Việc xác định hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn do Chủ tịch UBND cấp xã xác nhận và chịu trách nhiệm. Việc xác nhận của Chủ tịch UBND cấp xã trên cơ sở ý kiến của hội đồng tư vấn cấp xã (lập bằng biên bản). Thành phần hội đồng tư vấn cấp xã do UBND cấp huyện quyết định, bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã theo dõi công tác quản lý đất đai làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên gồm: công chức địa chính, ủy viên UBMTTQVN xã, cán bộ tư pháp, đại diện khối phố, tổ dân phố.

+ Thửa đất đủ diện tích tối thiểu được tách thửa tại Điều 14 Quy định này nhưng trước đây người sử dụng đất đã hiến đất để thực hiện các công trình trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố (đã được đăng ký biến động trên Giấy chứng nhận), nay diện tích đất còn lại đủ diện tích tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này thì được phép tách thửa.

Việc tách thửa thuộc các trường hợp theo quy định điểm a, b, c Điều này, khi thực hiện thủ tục cấp đổi, cấp lại hoặc cấp mới Giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường (hoặc Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Nam trường hợp được ủy quyền) thì phải có văn bản thống nhất đề nghị của UBND cấp huyện (kèm theo hồ sơ).

- Trường hợp người sử dụng đất tự thực hiện dự án đầu tư hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất để người nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì diện tích đất tối thiểu được tách thửa thực hiện theo dự án đầu tư phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp diện tích thửa đất còn lại sau khi tách thửa nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định tại Điều 14 Quy định này thì người sử dụng đất vẫn được cấp Giấy chứng nhận cho diện tích còn lại theo quy định hiện hành.

- Tách thửa trong khu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố:

+ Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện hoặc đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện mà diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất nhưng sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

+ Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh hủy bỏ hoặc có điều chỉnh hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh hủy bỏ thì người sử dụng đất được tiếp tục và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật (được tách thửa).

- Trường hợp tách thửa liên quan đến việc mở đường (đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ) khớp nối với giao thông công cộng hiện có, thì chủ sử dụng đất phải lập văn bản, bản vẽ mặt bằng chi tiết gửi đến UBND cấp huyện (hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý quy hoạch, xây dựng) phê duyệt và lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất hoặc thu hồi đất, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng (phần diện tích đất này thể hiện là đường giao thông) mới được tách thửa, cụ thể:

+ Đối với đất ở: người sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký chuyển mục đích không phải xin phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động theo điểm d khoản 1 Điều 12 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT.

+ Đối với đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở): trước khi tách thửa người sử dụng đất phải có văn bản trả lại đất (kèm theo trích đo địa chính khu đất xin trả do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện lập) gửi UBND cấp xã; trên cơ sở đó UBND cấp xã có văn bản đề nghị gửi phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện để thẩm tra xác minh thực địa, tham mưu cho UBND cấp huyện ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 65 Luật Đất đai giao cho UBND cấp xã quản lý sử dụng vào mục đích giao thông, hướng dẫn cho người có đất xin trả lại đất tự xây dựng đường giao thông theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.

+ Về tiêu chuẩn và độ rộng của đường khi được phép mở: đối với đường trong khu dân cư đô thị thì phải phù hợp với quy hoạch đô thị được phê duyệt, trường hợp khu vực đô thị chưa được phê duyệt quy hoạch thì UBND cấp huyện căn cứ về hạ tầng giao thông, đề xuất tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành. Ngoài ra, đối với khu vực nông thôn UBND tỉnh đã ban hành các thiết kế mẫu để áp dụng trong Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới để thống nhất chủ trương về tiêu chuẩn và độ rộng của đường khi được phép mở.

- Đối với trường hợp mở đường, tách thửa để cha mẹ tặng cho con mà thửa đất tách ra đảm bảo theo quy định tại Điều 14 Quy định này nhưng độ rộng và tiêu chuẩn của đường chưa đảm bảo theo quy định tại khoản 4 Điều này thì UBND cấp xã xem xét trình UBND cấp huyện thống nhất đề xuất

- Tách từ một thửa đất thành 05 thửa trở lên (kể cả thửa đất trước khi tách) mà hội đủ điều kiện theo Quy định này thì trước khi tách người sử dụng đất phải được sự thống nhất của cơ quan có chức năng về quản lý hạ tầng, môi trường cấp huyện.

Đất trong trường hợp nào không được tách thửa?

Căn cứ Điều 5 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND, những trường hợp không được tách thửa được quy định như sau:

- Khu vực bảo tồn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt danh mục phải bảo tồn theo quy định pháp luật.

- Biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước; biệt thự thuộc nhóm 1 và 2 theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BXD.

- Các khu vực hiện đang là biệt thự được tiếp tục quản lý, các khu vực hiện đang là dự án xây dựng nhà ở theo quy hoạch; biệt thự thuộc dự án đã quy hoạch; đất ở thuộc các dự án đã được Nhà nước giao đất, cấp Giấy chứng nhận cho từng thửa đất (lô đất) theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt (trừ trường hợp quy hoạch này được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, thì việc tách thửa phải đảm bảo đúng theo quy hoạch đã điều chỉnh theo Quyết định này).

- Nhà, đất thuộc khu vực đã có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khu đất thuộc dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định giao cho chủ đầu tư lập dự án đầu tư đang thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho dự án thì chủ đầu tư không được tách thửa, phân lô bán nền.

- Các trường hợp: thực hiện kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thực hiện việc xử lý nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, bảo lãnh; thực hiện quyết định hành chính giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, thực hiện bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; thực hiện văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất mà diện tích đất tách ra và diện tích đất còn lại của thửa đất nhỏ hơn diện tích, kích thước tối thiểu theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Quy định này thì người sử dụng đất không được tách thửa mà phải thực hiện việc phân chia quyền sử dụng đất theo giá trị quyền sử dụng đất, sử dụng chung hoặc ủy quyền cho người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với thửa đất theo quy định.

- Những trường hợp không đảm bảo điều kiện để tách thửa được quy định tại Điều 4 Quy định này.

Như vậy, việc tách thửa đất tại tỉnh Quảng Nam nhỏ nhất là 30m2. Bên cạnh quy định về diện tích tối thiểu thì thửa đất đề nghị tách còn phải đảm bảo kích thước các cảnh thửa theo quy định và không thuộc trường hợp mảnh đất không được tách thửa.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

15,446 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào