Điều kiện để doanh nghiệp được trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định hiện nay là gì?
- Điều kiện để doanh nghiệp được trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định hiện nay là gì?
- Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có quyền quản lý nguồn lực được giao hay không?
- Doanh nghiệp đã được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định cũ thì áp dụng các chính sách như thế nào?
Điều kiện để doanh nghiệp được trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định hiện nay là gì?
Ngày 25/04/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2023/NĐ-CP về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; sửa đổi quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Nghị định 47/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, tại Điều 3 Nghị định 16/2023/NĐ-CP có quy định về doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh như sau:
Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh
Doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh đảm bảo đồng thời các điều kiện sau:
1. Là một trong các loại hình doanh nghiệp sau:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nắm giữ 100% vốn điều lệ.
c) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có sở hữu 100% vốn điều lệ của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó có ít nhất một doanh nghiệp là doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
2. Có ngành, lĩnh vực và địa bàn hoạt động quy định tại Phụ lục về Danh mục ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh kèm theo Nghị định này.
3. Được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trực tiếp hoặc thông qua cơ quan chức năng, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bằng nguồn lực từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư, thành lập doanh nghiệp.
Như vậy, điều kiện để doanh nghiệp được trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh bao gồm:
(1) Loại hình doanh nghiệp
Một trong các loại hình sau:
- Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
- Công ty TNHH một thành viên do công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên có sở hữu 100% vốn điều lệ của các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (ít nhất 01 doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an)
(2) Ngành, lĩnh vực và địa bàn hoạt động
Có ngành, lĩnh vực và địa bàn hoạt động thuộc 11 ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.
(3) Nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh
Được giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bằng nguồn lực từ ngân sách nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư, thành lập doanh nghiệp bởi:
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
- Cơ quan chức năng, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
- Công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
Điều kiện để doanh nghiệp được trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định hiện nay là gì? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có quyền quản lý nguồn lực được giao hay không?
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định 16/2023/NĐ-CP như sau:
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh
1. Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 9 Luật Doanh nghiệp và các quy định sau:
...
c) Quản lý nguồn lực được giao để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo các quy định hiện hành.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì doanh trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh có quyền quản lý nguồn lực được giao nhằm mục đích thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Doanh nghiệp đã được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định cũ thì áp dụng các chính sách như thế nào?
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 16/2023/NĐ-CP, việc áp dụng thực hiện chính sách đối với các doanh nghiệp đã được công nhận, công nhận lại là doanh nghiệp quốc phòng an ninh được quy định như sau:
(1) Đối với doanh nghiệp được công nhận theo Nghị định 93/2015/NĐ-CP
Thực hiện chính sách áp dụng đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định 16/2023/NĐ-CP đến hết thời hạn 3 năm kể từ ngày có quyết định công nhận, công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng an ninh.
(2) Đối với doanh nghiệp được công nhận theo Nghị định 47/2021/NĐ-CP
Thực hiện chính sách áp dụng đối với doanh nghiệp và người lao động tại doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại Nghị định 16/2023/NĐ-CP đến hết thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định công nhận, công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng an ninh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.