Diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là bao nhiêu? Cách tách thửa trong một số trường hợp đặc biệt?
Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Quyết định 30/2021/QĐ-UBND ngày 01/10/2021. Theo đó diện tích tối thiểu được phép tách thửa thành thửa đất mới và thửa đất còn lại được quy định như sau:
Điều kiện thửa đất được phép tách thửa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
Việc tách thửa đất phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
- Thửa đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật nhà ở (sau đây gọi là Giấy chứng nhận) và các điều kiện quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013;
- Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng (nếu có) đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Thửa đất chưa có quyết định thu hồi hoặc thông báo thu hồi đất (trừ phần diện tích nằm ngoài phạm vi ranh giới thu hồi theo quyết định thu hồi hoặc thông báo thu hồi đất);
- Người sử dụng đất không vi phạm trong quá trình sử dụng đất đối với thửa đất xin tách thửa, trừ trường hợp có vi phạm nhưng được cơ quan có thẩm quyền đề nghị thực hiện thủ tục đăng ký đất đai để khắc phục hậu quả theo quy định;
- Thửa đất hình thành từ việc tách thửa phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông đã được đầu tư theo quy định (trừ trường hợp đường giao thông do tổ chức, cá nhân tự đầu tư xây dựng không theo quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt). Điều kiện này không áp dụng trong trường hợp tách thửa theo điểm a khoản 3 Điều 4 Quy định này.
Diện tích tối thiểu được phép tách thửa thành thửa đất mới và thửa đất còn lại trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu?
Diện tích tối thiểu được phép tách thửa thành thửa đất mới và thửa đất còn lại
Việc tách thửa phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy định này và diện tích tối thiểu được tách thửa sau đây:
- Đối với đất ở.
+ Đất ở tại đô thị:
Thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ lớn hơn hoặc bằng 19 m (Mười chín mét) diện tích không nhỏ hơn 45 m2 (Bốn mươi lăm mét vuông) và bề rộng, chiều sâu lớn hơn hoặc bằng 5m (Năm mét);
Thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ nhỏ hơn 19 m (Mười chín mét) diện tích không nhỏ hơn 36 m2 (Ba mươi sáu mét vuông) và bề rộng, chiều sâu lớn hơn hoặc bằng 4m (Bốn mét).
+ Đất ở tại nông thôn: Diện tích không nhỏ hơn 60 m2 (Sáu mươi mét vuông) và bề rộng, chiều sâu lớn hơn hoặc bằng 04 m (Bốn mét).
- Đất phi nông nghiệp không phải là đất ở: Diện tích tách thửa theo văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc theo dự án đầu tư hoặc nhu cầu của người sử dụng đất nhưng không nhỏ hơn diện tích tối thiểu tách thửa đất theo quy định tại khoản 1 Điều này.
- Đất nông nghiệp.
+ Trường hợp thửa đất thuộc khu vực quy hoạch để sản xuất nông nghiệp:
Đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp khác diện tích không nhỏ hơn 500 m2 (Năm trăm mét vuông), bề rộng bằng hoặc lớn hơn 6m (Sáu mét);
Đất lâm nghiệp, đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối diện tích không nhỏ hơn 1000 m2 (Một nghìn mét vuông), bề rộng bằng hoặc lớn hơn 7m (Bảy mét).
+ Trường hợp tách thửa thuộc quy hoạch khu dân cư hoặc tách thửa để chuyển mục đích sang đất ở theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều này.
- Đối với thửa đất nông nghiệp trong cùng thửa đất ở thì việc tách thửa như sau:
+ Trường hợp tách đất nông nghiệp đồng thời chuyển mục đích sang đất ở phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều này;
+ Trường hợp tách một phần đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất thì thửa đất ở được tách ra và thửa đất ở còn lại phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều này; đất nông nghiệp tách theo đất ở không áp dụng diện tích tối thiểu;
+ Trường hợp tách hết diện tích đất ở thì thửa đất ở được tách thửa và thửa đất nông nghiệp còn lại phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều này.
Xử lý việc tách thửa trong một số trường hợp đặc biệt
- Trường hợp thửa đất tiếp giáp với nhiều đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ khác nhau thì áp dụng theo đường giao thông có bề rộng lớn nhất và đảm bảo điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy định này.
- Trường hợp thửa đất nông nghiệp mà theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và các quy hoạch khác đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt có một phần diện tích được quy hoạch là đất ở và một phần diện tích được quy hoạch là đất sử dụng vào mục đích công trình công cộng hoặc hành lang an toàn công trình thì việc tách thửa đất như sau:
+ Phần quy hoạch đất ở: Tách thửa đất mới để chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và thửa đất còn lại phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 Quy định này.
+ Phần diện tích được quy hoạch là đất sử dụng vào mục đích công trình công cộng hoặc hành lang an toàn công trình không áp dụng diện tích tối thiểu tách thửa.
- Trường hợp tách thửa đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, nhưng hình thể thửa đất đặc biệt (như hình tam giác, lục giác, bát giác, hình tròn) không xác định được bề rộng thửa đất thì không áp dụng giới hạn bề rộng thửa đất nhưng phải đảm bảo điều kiện và diện tích đất tối thiểu theo quy định điểm a, b, c, d, khoản 1 Điều 3 và điểm a, khoản 3 Điều 4 của Quy định này.
- Trường hợp thửa đất ở không tiếp giáp với đường giao thông nhưng đã có nhà ở hiện hữu thì việc tách thửa phải đảm bảo điều kiện theo quy định điểm a, b, c, d, khoản 1 Điều 3 Quy định này và diện tích tối thiểu được tách thửa đất mới và thửa đất còn lại phải đảm bảo theo quy định như sau:
+ Không nhỏ hơn 36 m2 (Ba mươi sáu mét vuông) đối với đất ở tại đô thị và bề rộng, chiều sâu thửa đất bằng hoặc lớn hơn 04 m (Bốn mét);
+ Không nhỏ hơn 60 m2 (Sáu mươi mét vuông) đối với đất ở tại nông thôn và bề rộng, chiều sâu thửa đất bằng hoặc lớn hơn 04 m (Bốn mét).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.