Diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất tại địa bàn tỉnh Bình Thuận là bao nhiêu mét vuông?
- Điều kiện chung khi tách thửa đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận?
- Các trường hợp nào không được tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận?
- Điều kiện về diện tích của từng loại đất khi thực hiện tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận?
- Phạm vi áp dụng các quy định về tách thửa đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận?
Điều kiện chung khi tách thửa đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận?
Theo Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 21/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận quy định:
“Điều 4. Các điều kiện tách thửa đất
1. Người sử dụng đất được tách thửa đất khi đáp ứng các điều kiện sau:
a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng (sau đây gọi là Giấy chứng nhận).
b) Các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa (sau khi trừ diện tích nằm trong hành lang an toàn đường bộ) không nhỏ hơn diện tích, kích thước tối thiểu tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Quy định này.
c) Các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa phải tiếp giáp đường giao thông hiện hữu, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 và khoản 1 Điều 13 Quy định này.
2. Tách thửa đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ:
a) Trường hợp thửa đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ đã được cấp Giấy chứng nhận thành một thửa riêng thì không áp dụng điều kiện về diện tích, chiều dài tối thiểu, nhưng phải đảm bảo điều kiện về chiều rộng tối thiểu tương ứng với thửa đất nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ và của một người sử dụng đất.
b) Trường hợp chưa tách thành thửa riêng thì các thửa đất hình thành từ việc tách thửa bao gồm cả diện tích nằm trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ; việc ghi chú diện tích nằm trong hành lang an toàn đường bộ khi cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.”
Theo đó, khi thực hiện tách thửa đất thì cá nhân, tổ chức phải đảm bảo đáp ứng được các điều kiện theo quy định kể trên.
Quy định về tách thửa đất tại tỉnh Bình Thuận như thế nào? Diện tích tối thiếu tách thửa đối với từng loại đất tại tỉnh Bình Thuận từ ngày 10/9/2021 là bao nhiêu mét vuông?
Các trường hợp nào không được tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận?
Theo Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 21/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận như sau:
“Điều 6. Các trường hợp không được tách, hợp thửa đất
1. Các thửa đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.
2. Thửa đất có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đang được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật; các thửa đất đang được các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp theo điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013.
3. Thửa đất có tài sản gắn liền với đất đang bị các cơ quan có thẩm quyền kê biên tài sản để thực hiện bản án có hiệu lực của tòa án.
4. Phần diện tích đất nằm trong khu vực đã có thông báo thu hồi đất hoặc đã có quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
5. Tách thửa đất làm đường do người sử dụng đất tự bố trí và các thửa đất khác còn lại có cạnh tiếp giáp với đường tự bố trí, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
6. Tách, hợp thửa đất trong các dự án phát triển nhà ở, phát triển đô thị (bao gồm cả dự án có thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền để người dân xây dựng nhà ở) đã có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được duyệt.”
Theo đó, khi rơi vào một trong những trường hợp kể trên thì tổ chức, cá nhân sẽ không được tách thửa.
Điều kiện về diện tích của từng loại đất khi thực hiện tách thửa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận?
(1) Đất ở nông thôn (Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 21/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận)
- Diện tích thửa sau khi tách: tối thiểu 60m2
- Chiều rộng tối thiểu (mặt tiếp giáp đường giao thông hiện hữu): 4m
- Chiều dài tối thiểu: 8m
(2) Đất ở đô thi (Điều 8 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 21/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận)
- Diện tích thửa sau khi tách: tối thiểu 40m2
- Chiều rộng tối thiểu (mặt tiếp giáp đường giao thông hiện hữu): 4m
- Chiều dài tối thiểu: 5m
(3) Đất ở có đất vườn, ao (Điều 9 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 21/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận):
- Diện tích thửa sau khi tách: Nếu ở nông thôn thì tối thiểu là 60m2, nếu ở thành thị thì tối thiểu là 40m2..
- Chiều rộng (mặt tiếp giáp đường giao thông hiện hữu): đất ở nông thôn thì tối thiểu 4m, đất ở thành thị thì tối thiểu 4m
- Chiều dài: đất ở nông thôn thì tối thiểu 8m, đất ở thành thì thì tối thiểu 5m
*Trường hợp thửa đất ở có đất vườn, ao được Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ một phần diện tích đất vườn, ao (đất nông nghiệp) sang đất ở thì:
+ Diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là 60m2 đối với đất ở nông thông, 40m2 đối với đất ở thành thị
+ Chiều rộng: đất ở nông thôn là 4m, đất ở thành thị là 4m
+Chiều dài: đất ở nông thôn là 8m, đất ở thành thị là 5m
*Trường hợp đất ở có vườn, ao nằm riêng lẻ ngoài các khu dân cư tập trung được công nhận quyền sử dụng đất, sử dụng đường trên đồng ruộng để đi lại thì:
+ Diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là: ở nông thôn thì 60m2, ở thành thì là 40m2
+ Chiều rộng (không cần điều kiện tiếp giáp đường giao thông): đất ở nông thôn là 4m, đất ở thành thị là 4m
+ Chiều dài: đất ở nông thông là 8m, đất ở thành thị là 5m
(4) Đất phi nông nghiệp (không phải đất ở) tại nông thôn (Điều 10 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 21/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận):
-Diện tích tối thiểu sau khi tách thừa là 100m2
-Chiều rộng (mặt tiếp giáp đường giao thông hiện hữu) tối thiểu: 5m
-Chiều dài tối thiểu: 10m
(5) Đất phi nông nghiệp (không phải đất ở) ở thành thị (Điều 11 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 21/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận):
- Diện tích tổi thiểu sau khi tách: 60m2
- Chiều rộng (mặt tiếp giáp với đường giao thông) tối thiểu: 4m
- Chiều dài tối thiểu: 5m
(6) Tách thửa đất phi nông nghiệp nằm trong cùng thửa đất có đất ở, đất vườn, ao (Điều 12 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 21/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận):
- Diện tích tối thiểu sau khi tách thửa: ở nông thôn là 100m2, ở thành thị là 60m2
- Chiều rộng (mặt tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu) tối thiểu: ở nông thôn là 5m, ở thành thị là 4m
- Chiều dài tối thiểu: ở nông thôn là 10m, ở thành thị là 5m
*Trường hợp thửa đất ở có đất vườn, ao được Ủy ban nhân dân cấp huyện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ một phần diện tích đất vườn, ao (đất nông nghiệp) sang đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) thì:
+ Diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là: ở nông thôn là 100m2, ở thành thị là 60m2
+ Chiều rộng (mặt tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu) tối thiểu: ở nông thôn là 5m, ở thành thị là 4m
+ Chiều dài tối thiểu: ở nông thôn là 10m, ở thành thị là 5m
(7) Đất nông nghiệp (Điều 13 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 21/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận):
*Trường hợp đất nông nghiệp nằm ngoài khu dân cư:
- Diện tích tối thiểu sau khi tách tại các xã thuộc các huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Phú Quý): 1.000m2
- Diện tích tối thiểu sau khi tách tại các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố và các xã thuộc huyện Phú Quý: 500m2
*Trường hợp đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư, đất vườn ao (nông nghiệp) tách ra thửa riêng không gắn với đất ở:
- Diện tích tối thiểu sau khi tách tại các xã thuộc các huyện, thị xã, thành phố là: 400 m2
- Diện tích tối thiểu sau khi tách thửa tại phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố: 300m2
Theo đó, khi tách thửa đất thì cá nhân, tổ chức phải đảm bảo được các điều kiện về diện tích tối thiểu, chiều dài tối thiểu, chiều rộng tối thiếu theo quy định của từng loại đất.
Phạm vi áp dụng các quy định về tách thửa đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận?
Theo khoản 2 Điều 1 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 21/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận quy định:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
…
2. Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp sau:
a) Các trường hợp tách thửa do nhà nước thu hồi một phần thửa đất;
b) Các trường hợp tách thửa để chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất để thực hiện dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
c) Thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày 05 tháng 10 năm 2007 (ngày Quyết định số 53/2007/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh có hiệu lực thi hành) mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo Quy định này, nhưng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận.
d) Tách thửa đất đối với trường hợp người sử dụng đất trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng đất cho nhà nước; đất tặng cho hộ gia đình, cá nhân để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết với điều kiện diện tích tối thiểu phải đảm bảo để xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.
đ) Các trường hợp tách thửa do: Hòa giải thành về tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền, nhận thừa kế, thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ, quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án.
e) Tách thửa, hợp thửa trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp”
Theo đó, các trường hợp dù đã đảm bảo về điều kiện chung, điều kiện riêng với từng loại đất và cũng không thuộc trường hợp không được tách, hợp thửa nhưng rơi vào một trong các trường hợp theo khoản 2 Điều 1 Quyết định 21/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận thì sẽ không được áp dụng Quyết định này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.